Hướng nghiệp cho người lao động
Tại vùng ven các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng... những khu đô thị mới, khu công nghiệp mọc lên rất nhiều. Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, mạnh mẽ, với tốc độ chóng mặt đã dẫn tới tình trạng người nông dân ở các vùng này không còn ruộng đất canh tác.
Ngoài một số ít người trẻ kiếm được việc làm trong các khu đô thị, khu công nghiệp “dựng” trên phần đất của địa phương mình, thì đại đa số trở thành... thất nghiệp!
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội |
Vâng, thực tế đúng là như vậy, khi mà mỗi gia đình có trung bình vài ba ngàn mét vuông đất nông nghiệp, chia cho các nhân khẩu thành viên, nay phần đất đó bị lấy đi gần hết, hoặc có nơi lấy hết luôn, thì người nông dân sẽ lấy gì để sinh sống đây?! Vẫn biết là việc Nhà nước lấy đất nông nghiệp sẽ có đền bù, nhưng số tiền đền bù thu được một cục đó có phải gia đình nào cũng biết cách để làm cho nó sinh lời, duy trì cuộc sống lâu dài cho các thành viên gia đình?
Theo như tôi được biết, phần lớn các hộ dân sẵn có một cục tiền đã chi tiêu một cách quá đà, không tính toán để rồi dẫn tới chẳng mấy chốc mà hết. Vậy những năm tháng dài ở phía trước người nông dân sẽ sống sao đây khi mà số tiền “bán” ruộng đất đã ăn tiêu hết rồi!
Do trình độ học vấn thấp, chưa được đào tạo nghề nên nhiều người dân gặp khó khăn trong tìm việc làm, đặc biệt là đối với phụ nữ và người lớn tuổi, họ đều phải nghĩ cách để làm sao mà sinh tồn, khi người thì đi buôn bán, người lo chạy chợ, không ít người đi làm thuê làm mướn...
Mặt khác, tư tưởng của nông dân còn thụ động, ngại sự đổi mới và trông đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước, DN nên không có sự chuẩn bị nghề nghiệp mới. Trong khi đó, việc tham gia tư vấn hướng nghiệp và hỗ trợ chuyển đổi nghề của các cơ quan chức năng Nhà nước còn hạn chế. Từ đó dẫn đến hiệu quả sử dụng tiền đền bù của người dân còn thấp, rất ít hộ dân dùng tiền đền bù để tham gia vào các lớp học nghề.
Thực tế cho thấy, đối với lao động thuộc ngành phi nông nghiệp, lao động làm thuê và công nhân khi đất của họ bị thu hồi thì cơ hội chuyển sang nghề mới lớn hơn nhiều. Còn những hộ dân có việc làm và thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là đối tượng bị tác động lớn nhất sau khi thu hồi đất và gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm mới.
Mặc dù trước khi thu hồi đất nông nghiệp, các chủ khu công nghiệp, khu chế xuất đều hứa ưu tiên tuyển nhân lực là người địa phương, nhưng thực tế con em của những vùng bị thu hồi đất được tuyển vào không nhiều khi mà điều kiện tuyển dụng không hề đơn giản, hoặc chuyện tuyển dụng dễ dàng thì đồng lương lại khó đảm bảo cuộc sống.
Qua khảo sát, tìm hiểu của chúng tôi, thực trạng người lao động là nông dân thất nghiệp, hoặc có các công việc, nghề nghiệp không ổn định ở các vùng đô thị hóa, các khu công nghiệp, các khu chế xuất là rất nhiều. Để cuộc sống người nông dân ở những khu vực nêu trên được ổn định thì chính quyền các địa phương cần phải chú trọng tới công tác hướng nghiệp cho họ bằng các nghề, công việc phù hợp cho từng lứa tuổi.
Chuyện hướng nghiệp cho người nông dân mất đất là rất quan trọng, chẳng khác nào trao cho họ chiếc cần câu để họ kiếm sống lâu dài còn hơn chỉ cho họ con cá, vì con cá ấy họ cũng chỉ có thể sống trong một vài bữa là cùng! Thực ra, có một số ít địa phương đã chú trọng trong việc tìm nghề phụ cho người lao động và hướng họ tới nghề phụ một cách vững chãi, có thu nhập ổn định, đảm bảo cho cuộc sống lâu dài.
Đơn cử như nhiều địa phương hướng người dân xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp giống mới phù hợp với diện tích sản xuất của người dân tại các xã. Phối hợp các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, các lớp đào tạo nghề nông thôn hay tổ chức tham gia liên hoan du lịch làng nghề nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm truyền thống của địa phương.
Đó là những giải pháp cơ bản và phù hợp với điều kiện thực tế, không những mang lại những kết quả chung mà còn góp phần giải quyết vấn đề cốt yếu của đời sống người dân, đặc biệt là giải quyết việc làm. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó nêu cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nâng cao thu nhập của nhân dân.