Dạy nghề ngoài trại giam giúp phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng
Nghị quyết thí điểm là cần thiết
Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, thực tiễn công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề và giáo dục, cải tạo phạm nhân trong tình hình hiện nay đòi hỏi phải có cơ chế mới, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình trước Quốc hội |
Việc đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm là rất cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý để thống nhất tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trại giam trong công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân trong giai đoạn hiện nay; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác thi hành án phạt tù, công tác chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, việc thực hiện thí điểm mô hình phải bảo đảm các nguyên tắc: Một là, Bảo đảm an toàn; phục vụ có hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, tái hòa nhập cộng đồng; tạo điều kiện giúp phạm nhân tìm kiếm việc làm sau khi chấp hành xong án phạt tù;
Hai là, phạm nhân tham gia hoạt động lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam phải trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, được trả một phần công lao động và có quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự;
Ba là, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh nơi trại giam đóng tại địa phương trực tiếp kiểm sát việc thi hành án phạt tù tại khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam;
Bốn là, thu nhập của tổ chức hợp tác với trại giam từ hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam trong thời gian thí điểm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ủy ban tán thành việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc ban hành Nghị quyết này giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, tạo điều kiện để phạm nhân được lao động, hướng nghiệp, học nghề phù hợp, tăng khả năng thích ứng khi tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế nguy cơ tái phạm tội.
Đồng thời, tạo cơ chế thu hút, huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác thi hành án hình sự theo định hướng cải cách tư pháp. Ngoài ra, mô hình này còn góp phần bảo đảm sử dụng đúng mục đích đất quốc phòng - an ninh, hạn chế việc phải bổ sung đất đai cho các trại giam để tập trung quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết |
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, việc đề xuất áp dụng thí điểm mô hình này phù hợp với chủ trương, định hướng cải cách tư pháp; không trái với quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, các nội dung quy định về việc thí điểm trong dự thảo Nghị quyết cơ bản đã bảo đảm thực hiện thống nhất, đầy đủ chế độ quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo và các chế độ, chính sách khác đối với phạm nhân theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và các luật có liên quan.
Hồ sơ dự thảo Nghị quyết được Chính phủ chuẩn bị khẩn trương, nghiêm túc và công phu. Hồ sơ có đầy đủ ý kiến của các cơ quan liên quan, các báo cáo kèm theo và dự thảo văn bản quy định chi tiết đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo trình tự thông qua tại một kỳ họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đều thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong thảo luận, các đại biểu tập trung cho ý kiến vào các nội dung trọng tâm: Xung quanh phạm vi, đối tượng điều chỉnh của nghị quyết; Nguyên tắc thực hiện thí điểm; Quy định về 11 trường hợp không được đưa ra khu lao động hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam; Việc áp dụng các chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập của doanh nghiệp hợp tác với trại giam; thời gian thực hiện thí điểm là 5 năm…
Tiền đề cần thiết cho việc tái hòa nhập cộng đồng
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) bày tỏ tán thành cao. Nữ đại biểu thuộc đoàn Bắc Kạn cho rằng, đây là việc làm không chỉ cần thiết đối với việc cải tạo phạm nhân mà còn rất cần thiết cho việc tái hòa nhập cộng đồng sau này.
Theo thống kê thì trong số phạm nhân hiện đang chấp hành án phạt tù có tới 67% mới chỉ học hết cấp 1, cấp 2, cá biệt có 4,7 %; 54% không biết chữ, trước khi phạm tội không có nghề nghiệp hoặc lao động tự do. Do đó, nếu như không tổ chức tốt việc lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân thì sẽ rất khó khăn với họ trong tìm kiếm việc làm và dễ rơi vào tâm lý mặc cảm, tự ti và nguy cơ tái phạm sẽ rất lớn.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy |
Cùng quan điểm trên, đại biểu Lê Nhật Thành (TP. Hà Nội) cho rằng, Nghị quyết thí điểm được thông qua sẽ tạo cơ chế để phạm nhân có thêm điều kiện được lao động hướng nghiệp, học nghề phù hợp và tự cải tạo trở thành người có ích cho xã hội, tạo thuận lợi và cơ hội có việc làm khi họ tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế tái phạm tội; tăng khả năng thu hút, huy động nguồn lực từ nhiều tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam để tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân.
Đại biểu Lê Nhật Thành |
Tại Điểm d, khoản 3, Điều 1 của dự thảo Nghị quyết quy định thu nhập của tổ chức hợp tác với trại giam từ hoạt động lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam trong thời gian thí điểm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp là phù hợp.
Tuy nhiên đại biểu Lê Nhật Thành cho rằng, cần có thêm cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam để tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Đây là vấn đề có ý nghĩa xã hội sâu sắc, chia sẻ trách nhiệm của Nhà nước với những đối tượng đặc thù trong xã hội, thúc đẩy xã hội hóa các hoạt động này, giảm gánh nặng cho Nhà nước.
Đồng tình với Tờ trình của Chính phủ, đại biểu Phạm Thị Nguyệt Thu (Hà Tĩnh) cho rằng, đây là sự kết hợp giữa lao động và giáo dục nhằm cảm hóa, giúp đỡ phạm nhân yên tâm cải tạo, cố gắng lao động, học tập để sửa đổi lỗi lầm, trở thành người tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế tối đa tình trạng tái phạm tội sau khi chấp hành án.
Đại biểu Phạm Thị Nguyệt Thu |
Việc Chính phủ đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm này rất cần thiết trong tình hình hiện nay, qua đó tạo hành lang pháp lý, huy động nguồn lực xã hội tham gia vào công tác thi hành án hình sự là phù hợp với định hướng cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta. Đại biểu Phạm Thị Nguyệt Thu đề nghị cân nhắc đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi được ưu tiên lao động hướng nghiệp và học nghề ngoài trại.
Nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm này, nhưng đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) lưu ý đây là chính sách mới nên cần phải được đánh giá tác động của mô hình mới đối với tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự địa phương, sau đó tiến hành sơ kết, tổng kết.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính |
Bên cạnh đó, đóng góp vào nội dung cụ thể của dự thảo, đại biểu đề nghị rà soát lại quy định tại Khoản 2 Điều 1 về số lượng trại giam được áp dụng thí điểm theo Nghị quyết này, theo đó quy định không quá 1/3 tổng số trại giam thuộc Bộ Công an. Đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho rằng, không nên giới hạn số trại giam, mà cần căn cứ theo năng lực, khả năng quản lý của trại giam để thực hiện việc thí điểm này.
Theo chương trình dự kiến của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam vào ngày 16/6 tới.