Khát vọng B6
Dự án B6 - Giảng Võ: Vì sao “dậm chân tại chỗ”? | |
Tổng công ty 36 tiếp quản dự án B6 Giảng Võ |
Nằm trên đường Nam Cao, đối diện Hồ Giảng Võ, một mặt nhìn ra đường Kim Mã (quận Ba Đình, Hà Nội), chung cư B6 Giảng Võ ở vị trí “đất vàng” trung tâm TP. Hà Nội. Vậy mà hơn chục năm đã trôi qua kể từ khi giao cho bên thi công để tiến hành cải tạo nâng cấp nhà chung cư cũ B6 Giảng Võ, những hộ dân ở đây vẫn tiếp tục phải sống trong cảnh đi thuê nhà và chưa biết ngày nào mới về lại căn chung cư được cải tạo, nâng cấp mới. Trong hơn 10 năm ấy, đã có 14 chủ hộ không kịp nhìn ngôi nhà mới của mình.
Các hộ dân B6 Giảng Võ vẫn đang trông chờ từng ngày dự án hoàn thành |
B6 Giảng Võ là một trong những dự án cải tạo chung cư cũ đầu tiên được biết tới tại TP. Hà Nội. Ngày 22/7/2004, UBND TP. Hà Nội đã ra văn bản số 2536/UB-KH-ĐT với nội dung: Chấp thuận về nguyên tắc để Công ty ICT lập dự án đầu tư xây dựng lại chung cư B6 Giảng Võ. Thời gian thực hiện dự án trong 6 tháng, nếu không đúng thời hạn sẽ giao đơn vị khác.
Điều khiến nhiều cư dân của khu tập thể B6 lo ngại là năng lực tài chính của chủ đầu tư. Bởi vì, Công ty ICT vừa được cấp giấy đăng ký kinh doanh ngày 6/6/2003, với số vốn điều lệ chưa đầy 10 tỷ đồng và chưa thực hiện bất kỳ dự án xây dựng đáng kể nào. Trong khi đó, theo thiết kế, dự án nhà ở tái định cư và văn phòng cho thuê B6 Giảng Võ có tổng diện tích 3.086 m2, với tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng, được thiết kế thành 2 khối: Khối nhà tái định cư cao 19 tầng, khối văn phòng cao 22 tầng và 4 tầng hầm.
Sau hơn 4 năm triển khai dự án, Công ty ICT không thể thực hiện dự án như đã cam kết. Cùng với đó, mâu thuẫn lợi ích giữa cư dân và Công ty ICT cũng không thể giải quyết được. Chính vì vậy, người dân đã lựa chọn chủ đầu tư mới. Theo đó, Tổng công ty 36 chịu trách nhiệm làm nhà thầu thi công và đại diện chủ đầu tư. Còn Công ty Mefrimex chịu trách nhiệm cung cấp vốn và được toàn quyền quyết định các phương án đầu tư, kinh doanh.
Từ cuối năm 2013, dự án nhà B6 Giảng Võ được UBND TP. Hà Nội giao cho Công ty Mefrimex là chủ đầu tư. Tuy nhiên, tính đến tháng 5/2015, tức là hơn 2 năm kể từ khi nhận, dự án vẫn dậm chân tại chỗ. Mefrimex cũng đã có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội xin trả lại dự án.
Từ thực tế đó, cùng với nguyện vọng của hơn 100 hộ dân nhà B6 mong muốn Tổng công ty 36 quay lại thực hiện dự án để nhanh chóng được nhận nhà tái định cư, Tổng công ty 36 đã báo cáo Bộ Quốc phòng và UBND TP. Hà Nội cho phép nhận lại dự án từ Mefrimex.
Ngày 10/6/2015, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản giao Tổng công ty 36 được tiếp tục triển khai dự án B6; yêu cầu tập trung mọi nguồn lực, khẩn trương thực hiện, đảm bảo chất lượng, bàn giao nhà cho các hộ dân chậm nhất trong tháng 12/2017. UBND thành phố cũng giao Sở Quy hoạch Kiến trúc nghiên cứu đề xuất của Tổng công ty 36 về việc điều chỉnh quy hoạch dự án quy mô 4 tầng hầm và 28 tầng nổi, đảm bảo điểm hòa vốn và không làm mất vốn Nhà nước tại DN theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, báo cáo UBND thành phố.
Về chủ trương này, Sở Xây dựng, UBND quận Ba Đình và các sở, ngành đã có ý kiến nhất trí cao. Ngày 17/2/2016, UBND TP. Hà Nội chính thức có văn bản nhất trí với đề xuất của chủ đầu tư gửi lên Thủ tướng Chính phủ xin điều chỉnh quy mô dự án. Tuy nhiên, đến nay vì vẫn chưa có quyết định phê duyệt phương án kiến trúc; chưa có giấy phép xây dựng nên dự án chưa thể triển khai…
Sự chậm trễ của dự án B6 có nhiều nguyên nhân từ chủ đầu tư ban đầu rất yếu về năng lực tài chính, rồi do những thay đổi trong thiết kế, yêu cầu cấp bách phải nâng chiều cao tòa nhà đảm bảo lợi ích các bên, việc chậm cấp phép xây dựng… Hệ quả của những chậm trễ ấy là ngày ngày hàng trăm hộ dân ở đây vẫn phải “lang thang” tạm cư trong những căn nhà chật hẹp thuê tạm; việc học hành của con cái, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn; chi phí của chủ đầu tư ngày càng tăng cao và khó bù đắp.
Khát vọng về một căn nhà mới khang trang, rộng rãi hơn là khát vọng chính đáng của người dân B6, cũng là mong muốn của chủ đầu tư Tổng công ty 36 được tạo điều kiện để hoàn thành dự án đúng tiến độ và chất lượng. Song để khát vọng ấy hiện hữu, cần lắm sự chung sức, đồng lòng của người dân, chính quyền… để không chỉ riêng B6 mà còn hơn 100 căn chung cư cũ, nát nhanh chóng được cải tạo nâng cấp mới.