Khó như thu thuế quảng cáo trực tuyến
Ảnh minh họa |
Mới đây, tại hội thảo bàn những nội dung giải quyết thách thức về thuế trong nền kinh tế số, ông Nguyễn Quang Tiến, Phó Trưởng Ban Cải cách và hiện đại hóa, Tổng cục Thuế cho biết, quản lý thuế đối với giao dịch thương mại điện tử là thách thức đối với ngành này, bởi các đối tượng khi kinh doanh trên mạng không có địa chỉ kinh doanh cụ thể, khó quản lý kê khai doanh thu và chi phí...
Trước đó, hồi đầu tháng 10 vừa qua, tại buổi gặp mặt giữa Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và cộng đồng startup công nghệ, câu chuyện một DN Việt Nam phải lập trụ sở ở Singapore, phải đi đóng thuế cho nước ngoài do không cạnh tranh nổi với các tập đoàn đa quốc gia đang có mặt tại Việt Nam đã khiến nhiều người giật mình. Và Phó thủ tướng đã phải thốt lên: “Phải làm sao để không để DN công nghệ thông tin Việt Nam ăn cơm Việt Nam, đóng thuế nước ngoài”.
Trên thực tế, những DN công nghệ hàng đầu trên thế giới như: Google, Facebook, Uber hay Apple đều đã có mặt tại Việt Nam, và với kinh nghiệm tầm quốc tế, các “ông lớn” này dễ dàng khai thác những kẽ hở trong chính sách để trốn được những khoản thuế khổng lồ.
Đơn cử như Google có nhân viên tại Việt Nam, nhưng lại đặt trụ sở ở Singapore, vì vậy họ không hề đóng một đồng thuế thu nhập DN nào. Từ việc trốn được nghĩa vụ thuế, các ông lớn này càng có điều kiện đầu tư vào công nghệ, thu hút chất xám, khiến DNNVV của Việt Nam không phát triển được.
Trở lại với câu chuyện của Nguyễn Hà Đông. Nhiều tính toán trước đó đưa ra, doanh thu của Nguyễn Hà Đông với Flappy Bird khoảng 50.000 USD/ngày (khoảng 1 tỷ đồng) từ việc quảng cáo trên nền tảng ứng dụng này. Đầu năm 2014, Tổng cục Thuế đã tiến hành kiểm tra, làm rõ mức thu nhập thực tế mà cha đẻ Flappy Bird nhận được.
Hiện tại, việc kiểm tra và hướng dẫn kê khai nộp thuế của Nguyễn Hà Đông đã không còn gặp nhiều khó khăn như trước. Sau khi cơ quan thuế trao đổi với các bộ, ngành để xác định loại hình kinh doanh của Nguyễn Hà Đông, ông Nguyễn Quang Tiến cho biết, cha đẻ của game Flappy Bird đã tự giác nộp hơn 1,4 tỷ đồng thuế.
Từ trường hợp của Nguyễn Hà Đông đem đối chiếu với việc truy thu thuế đối với các tập đoàn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, Luật sư Hoàng Văn Sơn, Trưởng Văn phòng Luật sư VNC (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh), cho rằng thực ra để thu thuế đối với các tập đoàn có trụ sở ở nước ngoài kinh doanh quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam không khó.
“Đó là phải sửa luật theo hướng, những DN quảng cáo qua các công ty này (Google, Facebook...) tại Việt Nam phải xem là nhập khẩu dịch vụ, nên phải đóng các loại thuế, cũng giống như nhập khẩu hàng hóa. Đối với các DN nước ngoài quảng cáo trên các phương tiện này, nếu họ cũng có trụ sở tại nước ngoài, thì phải xem xét các công cụ trực tuyến đó lưu hành ở Việt Nam như thế nào để áp dụng các biện pháp thích hợp”, Luật sư Sơn nói.
Vẫn theo Luật sư Sơn, đối với các DN có trụ sở tại Việt Nam, lúc thực hiện việc quảng cáo trực tuyến, thì cần tính thuế nhập khẩu dịch vụ, và họ phải thỏa thuận với nhà cung cấp dịch vụ để trả phí phù hợp đã bao gồm cả thuế nhập khẩu dịch vụ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Xuân Dương, Cục phó Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh cho rằng, việc thu thuế đối với các tập đoàn có trụ sở ở nước ngoài kinh doanh quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam cũng tương tự như câu chuyện thu thuế của các DN có hành vi chuyển giá. Và điều này không hề đơn giản.
Mới đây, Cục Thuế thành phố đã thành lập lực lượng chống chuyển giá nhằm thu thập, nghiên cứu các dấu hiệu chuyển giá đang được các DN sử dụng tại Việt Nam. Theo ông Dương, sau 10 ngày hoạt động, lực lượng này vẫn chưa ghi nhận kết quả gì mới…
“Vì đây (thu thuế DN quảng cáo trực tuyến, chuyển giá) đều là những cái mới, trên thế giới các nước phải có giải pháp riêng cho vấn đề này”, ông Dương nói và cho biết, hiện Ban Cải cách và Hiện đại hóa (Tổng Cục thuế) là đơn vị đang tích cực nghiên cứu những biện pháp riêng của Việt Nam để chống chuyển giá cũng như thu thuế với các tập đoàn đa quốc gia.