Không gian làm việc chung - lựa chọn của các công ty
Nguồn cung không gian làm việc chung tại Việt Nam tăng 58%/năm | |
Khi DN chung tay xây dựng không gian công cộng |
Ảnh minh họa |
Kể từ khi xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2012, mô hình không gian làm việc chung (co-working space) đang lan rộng nhanh chóng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM.
Không gian làm việc chung mang đến sự linh hoạt, sáng tạo và tiện ích đa dạng cho các khách thuê. Với mục đích cung cấp một nơi làm việc với tính linh hoạt và chia sẻ cao, không gian làm việc chung thường tính giá thuê trên đầu người hoặc trên chỗ ngồi, hơn là trên m2 như văn phòng truyền thống.
Xét trên m2, giá thuê không gian làm việc chung thường cao hơn văn phòng truyền thống (hạng B trở lên). Tuy nhiên, không gian làm việc chung cho phép người sử dụng tối ưu hóa diện tích sử dụng và tận dụng các không gian và tiện ích chung như phòng họp, pantry và khu vực lễ tân.
Do vậy, tổng chi phí thuê tại không gian làm việc chung có thể thấp hơn so với văn phòng truyền thống khoảng 35%. Cụ thể giá thuê mặt bằng cho 5 nhân viên chỉ từ 750 - 1.080 USD/tháng so với 1.100 - 1.400 USD/tháng của văn phòng truyền thống.
Điều này đặc biệt đúng nếu khách thuê yêu cầu quy mô văn phòng nhỏ, điển hình như cho năm nhân viên trở xuống là quy mô thông thường của một DN khởi nghiệp hoặc một công ty siêu nhỏ. Quan trọng hơn, khách thuê cũng không phải bỏ chi phí mua sắm tài sản cố định ban đầu khi tham gia mô hình không gian làm việc chung.
Các chuyên gia của CBRE cũng cho rằng sự phát triển của không gian làm việc chung được thúc đẩy một phần bởi sự bùng nổ mạnh mẽ của xu hướng khởi nghiệp. Thêm vào đó, khi môi trường làm việc chia sẻ và linh hoạt trở nên phổ biến hơn, không gian làm việc chung trở thành một lựa chọn hợp lý cho khách thuê. Nhu cầu sử dụng không gian làm việc chung sẽ tiếp tục đến từ các DN khởi nghiệp và người làm việc tự do, cả trong nước và quốc tế, trong khi nhu cầu sẽ gia tăng từ phía các DN nhỏ.
Theo đánh giá của CBRE, mô hình không gian làm việc chung tại Việt Nam bắt đầu thu hút sự chú ý từ năm 2015 với sự ra mắt của các chuỗi không gian làm việc chung trong nước như Dreamplex và Toong. Hiện nay, mô hình này chủ yếu đang phát triển bởi các đơn vị trong nước tuy nhiên, diễn biến này sẽ sớm thay đổi khi một số đơn vị nước ngoài đã có kế hoạch thâm nhập thị trường Việt Nam trong năm nay và năm 2018.
Do mô hình không gian làm việc chung còn tương đối mới tại Việt Nam, trong khi các tên tuổi lớn trong khu vực và quốc tế vẫn chưa thâm nhập vào thị trường, nên tỷ lệ tăng trưởng được kỳ vọng sẽ ở mức cao trong thời gian tới.
Với bốn trung tâm mới đã ra mắt trong chưa đầy sáu tháng đầu năm, năm 2017 hứa hẹn là một năm sôi động với thị trường không gian làm việc chung tại Việt Nam. Dự kiến sẽ có thêm 10 trung tâm mới gia nhập thị trường từ nay tới cuối năm, trong đó có bốn trung tâm ở Hà Nội, số còn lại ở TP. HCM. Gần đây, Toong đánh dấu sự gia nhập thị trường TP. HCM bằng việc hợp tác với Capitaland, một chủ đầu tư bất động sản, nhằm quảng bá thương hiệu của không gian làm việc chung cũng như của trung tâm thương mại nơi đặt cơ sở này.
Hiện các nhà đầu tư khá lạc quan về triển vọng của không gian làm việc chung tại Việt Nam, với một số quỹ đầu tư xác nhận rót vốn vào các chuỗi không gian làm việc chung hiện hữu, cũng như vào các đơn vị nước ngoài đang có ý định thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Cụ thể, OpenAsia đầu tư vào Toong (2016) và Gaw Capital’s đầu tư vào Naked Hub (2016). Đến thời điểm hiện tại (tháng 6/2017), Việt Nam có tổng cộng 22 cơ sở không gian làm việc chung, cung cấp khoảng 14.500 m2 diện tích.
Theo nhận định của CBRE, các đơn vị vận hành và kinh doanh không gian làm việc chung đã có mặt trên thị trường như Toong, Dreamplex và Up sẽ tiếp tục mở thêm nhiều địa điểm mới để đạt được quy mô kinh tế, thiết lập mạng lưới và tăng trưởng thị phần. Sự gia nhập của các đơn vị vận hành quốc tế sẽ mở ra một giai đoạn hợp tác, mua bán, sáp nhập, một xu hướng đã và đang diễn ra tại các thị trường khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.