Khu công nghệ cao Đà Nẵng muốn thu hút đầu tư mạo hiểm
Bất động sản công nghiệp: Phải thay đổi để phù hợp | |
Sẵn sàng thu hút đầu tư vào công nghệ cao | |
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc: Sẵn sàng các điều kiện thu hút đầu tư |
Khu công nghệ cao Đà Nẵng được xây dựng tại thành phố Đà Nẵng, trên tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất, nối liền các khu kinh tế trọng điểm miền Trung: Khu Kinh tế Chân Mây (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Khu Kinh tế Chu Lai (tỉnh Quảng Nam), Khu Kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi); cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 22km, cách Sân bay Quốc tế Đà Nẵng 17km và cách Cảng Tiên Sa 25km.
Phối cảnh Cổng vào Khu công nghệ cao (ban ngày) |
Với diện tích quy hoạch khu công nghệ (KCN) 1129,76 ha cùng lợi thế vượt trội về vị trí địa lý, môi trường đầu tư, Khu CNC Đà Nẵng là điểm sáng đầu tư tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, là trung tâm kết nối với các khu công nghiệp, khu kinh tế trong Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, Khu CNC Đà Nẵng sẽ phát triển theo hướng một đô thị khoa học công nghệ, đô thị vệ tinh với môi trường sống và làm việc hài hòa, thân thiện với môi trường.
Khu CNC Đà Nẵng đã có hơn 300 ha đất sạch có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật sẵn sàng phục vụ các dự án đầu tư, đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xúc tiến đầu tư. Ban Quản lý Khu CNC có đội ngũ cán bộ năng động, chuyên nghiệp, cùng với cơ chế quản lý hành chính luôn được đổi mới, thông thoáng nhằm hỗ trợ, phục vụ nhà đầu tư từ bước đầu tìm hiểu đến khi dự án đi vào hoạt động.
Các dự án đầu tư vào Khu CNC Đà Nẵng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi cao nhất. Dự án đầu tư có công nghệ thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển sẽ được miễn tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian thuê và hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm (trong đó, miễn thuế 4 năm đầu, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo).
Đà Nẵng cũng là một điển hình về tính năng động của chính quyền, với những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh… chính quyền liên tục đối thoại với DN để kịp giải quyết những vướng mắc phát sinh.
Minh chứng cho tính năng động của chính quyền, ông Phạm Trường Sơn – Phó trưởng ban Ban quản lý KCN cao Đà Nẵng kể lại trường hợp Công ty Niwa Foundry, Công ty Tokyo Keiki than phiền tình trạng thường xuyên nháy điện, cúp điện đột ngột, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu giám đốc Công ty Điện lực Đà Nẵng cùng bàn với DN phương hướng và giải pháp xử lý.
Bên cạnh những tiềm năng và cơ hội, ông Sơn cũng bày tỏ những lo lắng nếu không có được những chính sách phù hợp thì không chỉ KCN cao Đà Nẵng mà các KCN cao khác cũng đứng trước nguy cơ biến thành khu công nghiệp. Đơn cử như KCN cao Đà Nẵng đang thiếu từ vốn để đầu tư cho xong hạ tầng, đến nguồn nhân lực trình độ cao… Tổng vốn đầu tư cho khu giai đoạn 2010-2015 cần 2500 tỷ đồng, nhưng mới có được khoảng 1027 tỷ đồng, ngay như nhà máy xử lý nước thải, lẽ ra phải xong trong năm 2016 nhưng do thiếu vốn, nên phải đến 2017 nhà máy mới hoàn thành… Hơn nữa, “với cơ chế tiền lương nhà nước sẽ không hút được người tài”, theo ông Sơn.
Ông Sơn cũng tỏ ra băn khoăn, mục tiêu là đến năm 2020 thu hút thêm 10 nhà đầu tư nhưng “với cơ chế hiện nay, lo là không đạt được con số này.
Vấn đề của KCN cao Đà Nẵng đã được bàn đến trong một Hội thảo Khoa học quốc gia của Trường Đại học kinh tế quốc dân tổ chức ngày 28/12/2016 với sự tham gia của các nhà khoa học, các giảng viên các trường đại học và các viện nghiên cứu.
TS. Nguyễn Minh Ngọc – Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và phát triển Đại học Kinh tế quốc dân đã khẳng định sự cần thiết của KCN cao Đà Nẵng với đất nước, đặc biệt là với giai đoạn đất nước đã xác định phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào chiều sâu, vào khoa học và công nghệ.
Ông nói, nếu không thay đổi tư duy đầu tư và chính sách đầu tư cho công nghệ cao, Việt Nam sẽ tiếp tục tụt hậu. Ông gợi mở Chính phủ cần có những lưu tâm, có chính sách phù hợp để KCN cao Đà Nẵng trở thành một hệ sinh thái cho nghiên cứu sáng tạo và phát triển, trở thành KCN cao của vùng.
Ông chia sẻ, xu hướng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển của thế giới đang tăng lên còn ở Việt Nam thì rất thấp. Chính phủ các nước như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Đài Loan… dành khá nhiều ngân sách để thu hút các nhà khoa học hàng đầu từ nước ngoài về làm việc trong nước, còn Đà Nẵng đang có nguy cơ nguồn lực con người, chất xám bị hút ngược về TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội…
Để KCN cao Đà Nẵng hoàn thành và phát triển đúng là một KCN cao, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp và kiến nghị, tựu trung lại, Chính phủ dành cho Đà Nẵng và Khu chính sách đặc thù như có quỹ đầu tư mạo hiểm và chính sách thu hút nhân tài, thu hút nguồn lực đầu tư, và quan trọng là phải tạo thị trường cho các nghiên cứu sáng tạo, để “hút ngược lại đầu tư và nhân lực từ hai đầu đất nước trở về Đà Nẵng”.
Nếu không có chính sách và cơ chế đúng, khu công nghệ cao có nguy cơ trở thành khu công nghiệp, các nhà khoa học lưu ý. TS.Tạ Doãn Trịnh – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách Khoa học Công nghệ bổ sung thêm các giải pháp rất cụ thể, ông lưu ý, chính sách hiện nay chưa khuyến khích được DN khởi nghiệp công nghệ cao, cần có chính sách thu hút đầu tư mạo hiểm đầu tư vào khu, có chính sách khuyến khích để có thêm DN đầu tư công nghệ cao, ươm tạo DN công nghệ cao… mà mới chỉ nhìn vào những DN đã có sẵn.