Kiểm soát và bảo đảm thực phẩm sạch
Hãy là người tiêu dùng thông minh | |
Liên kết thúc đẩy cung ứng thực phẩm sạch |
“Tắc” ở chợ
Đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo của TP. HCM chính thức được công bố từ ngày 16/12/2016 đến nay và hiện có 713 trang trại chăn nuôi ở Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Bến Tre, Tây Ninh, Bình Thuận… đăng ký tham gia.
Rất nhiều cơ sở kinh doanh tham gia chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo của TP. HCM |
Việc truy xuất nguồn gốc được thực hiện ở các kênh phân phối hiện đại tương đối thuận lợi và đạt hiệu quả cao, do hoạt động chăn nuôi giết mổ và cung cấp thịt heo vào hệ thống đã được chuẩn hóa; các đơn vị tham gia là những DN lớn có uy tín và thương hiệu, thực hiện bài bản, nghiêm túc đầy đủ và chuyên nghiệp các quy trình của đề án.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương, cho biết sau 3 tháng triển khai, đề án này bị vướng mắc nhất là tại các kênh phân phối truyền thống. Hiện tại, hoạt động chăn nuôi, thu mua, giết mổ, phân phối thịt heo ở các chợ truyền thống đa số là hộ gia đình, tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ hoặc thương lái không đăng ký kinh doanh và có thói quen mua bán tự phát…
Hệ thống phân phối truyền thống, số lượng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở các tỉnh, thành lân cận cung cấp thịt heo cho thị trường thành phố rất lớn. Thế nhưng, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không đăng ký tham gia đề án và chưa có thói quen sử dụng, tiếp cận thiết bị công nghệ thông tin hiện đại nên việc thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc gặp nhiều khó khăn. Một số trang trại khu vực vùng sâu, vùng xa không có sóng điện thoại di động nên khó kết nối wifi, 3G, không thực hiện kích hoạt truy xuất nguồn gốc được.
Để triển khai cho kênh chợ truyền thống, Ban quản lý đề án trước mắt phải áp dụng giải pháp yêu cầu thương lái thực hiện đeo vòng nhận diện để làm cầu nối hướng dẫn các hộ chăn nuôi đăng ký tham gia đề án. Tại chợ lẻ, lực lượng của Công ty Vissan được sử dụng làm nòng cốt để tiểu thương và người tiêu dùng làm quen với quy trình truy xuất nguồn gốc.
Đâu là cơ sở để xử phạt
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Y tế TP. HCM cho biết, trong hai năm 2015 và 2016, đoàn thanh tra Sở Y tế và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cùng đoàn kiểm tra liên ngành 24 quận, huyện đã tiến hành kiểm tra và phát hiện 29.707 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, cơ sở dịch vụ ăn uống vi phạm an toàn thực phẩm.
Các đơn vị đã chi xử phạt 4.334 trường hợp với số tiền gần 25 tỷ đồng. Sở dĩ như vậy bởi vì các mẫu test nhanh, mẫu giám sát không phải là kết quả để xử phạt. Sau khi test nhanh, nếu phát hiện không đạt sẽ chuyển cho thanh tra kiểm tra lấy mẫu lại, khi đó mới đủ cơ sở để xử lý, xử phạt.
Theo bà Mai, hiện nay, TP. HCM có 19.056 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố với hơn 20.580 người tham gia phục vụ kinh doanh. Những bất cập trong quản lý thức ăn đường phố, cửa hàng ăn uống không phép là sự phát triển tràn lan, thiếu quy hoạch gây mất trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường. Nhưng việc quản lý các đối tượng này rất khó khăn, không kiểm soát được về điều kiện chế biến và nguyên liệu chế biến, phụ gia sử dụng bảo quản… vì những người này thường không có nơi cư ngụ ổn định, thậm chí không có giấy tờ tùy thân.
Bà Mai cũng nhận định, tại các chợ, hiện việc xác định chính xác nguồn gốc thực phẩm kinh doanh tại chợ cũng gặp nhiều khó khăn đối với mặt hàng thịt, bên cạnh đó, nhiều mặt hàng khác như rau củ, quả, thủy sản cũng chưa thể xác định rõ nguồn gốc xuất xứ… Nguyên nhân là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa theo quy hoạch… Vì thế, việc kiểm tra an toàn thực phẩm của chợ truyền thống là cả vấn đề lớn, chưa kể còn tồn tại nhiều chợ tự phát trên địa bàn thành phố.
Ông Phạm Đức Hải, Phó chủ tịch HĐND TP. HCM, Trưởng đoàn giám sát HĐND cho rằng “Chúng ta cần xác định, đã là thực phẩm thì phải ăn được và bản chất phải sạch”. Cho rằng để thực hiện được chuỗi thực phẩm sạch thì các đơn vị ban ngành của thành phố phải làm tốt công tác truyền thông.
“Người sản xuất sản phẩm, chế biến thức ăn phải biết được rằng, sản phẩm được đưa vào tiêu thụ phải có chất lượng tốt, đạt an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này giúp cho người sản xuất, người chế biến hình thành thói quen cho sản xuất sản phẩm chất lượng, an toàn”, ông Hải khẳng định.