Liên kết thúc đẩy cung ứng thực phẩm sạch
Thực phẩm sạch có thể rẻ hơn? | |
Cơ hội phát triển thực phẩm sạch |
Ảnh minh họa |
Theo các chuyên gia, tình trạng sản xuất và kinh doanh nông sản, thực phẩm ở quy mô nhỏ lẻ, 70% lượng nông sản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thành phố phải nhập từ các tỉnh hoặc nhập khẩu qua nhiều đường khác nhau đang là một thách thức lớn cho công tác quản lý an toàn thực phẩm.
Chính vì vậy, TP.HCM phải đẩy mạnh công tác liên kết chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tay người tiêu dùng, cũng như tính toán liên kết với các địa phương, khu vực lân cận để lập các vùng chăn nuôi, rau, củ, quả sạch, vận động các cơ sở sản xuất chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong đó, mỗi DN phải là một mắt xích, giúp móc nối, liên kết, thúc đẩy đưa nguồn thực phẩm sạch đến tận tay người tiêu dùng.
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết, hiện nay công ty có 309 điểm bán thịt tươi sống tại các hệ thống siêu thị trên toàn quốc, và 146 điểm tại các chợ truyền thống. Tại các điểm này đều có bảng chỉ dẫn thịt heo VietGAP để người tiêu dùng nhận biết. Từ nhiều năm nay, Vissan thu mua nguyên liệu từ các trang trại nuôi heo VietGAP được chứng nhận, kiểm tra, kiểm soát.
Mặc dù vậy, Vissan vẫn đang nỗ lực liên kết với các đầu mối, siêu thị bán lẻ khác để sản phẩm thịt heo sạch dễ dàng đến với bếp ăn của các bà nội trợ hơn. Đồng thời, công ty cũng chú trọng tìm kiếm nguồn cho mảng chế biến thực phẩm, bởi nguồn nguyên liệu hiện tại chỉ mới đáp ứng được một phần năng lực sản xuất.
Tương tự, đại diện Công ty nông sản thực phẩm Thảo Nguyên chuyên cung ứng rau VietGAP cho các hệ thống bán lẻ tại TP.HCM, đồng thời là DN cung ứng hàng cho Chương trình bình ổn thị trường cho rằng, các nhà sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP đều cần phải kiểm soát được vùng nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc của toàn bộ sản phẩm.
Những năm gần đây, công ty Thảo Nguyên đã không ngừng nâng sản lượng, chủng loại các loại rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện, công ty đã sản xuất được hơn 70 mặt hàng và đang tăng cường mở rộng quy mô sản xuất, và một trong những khó khăn mà Thảo Nguyên gặp phải chính là đầu ra của sản phẩm. Bởi, dù nhu cầu thị trường là rất lớn, nhưng khâu phân phối vẫn còn tắc nghẽn, nên chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng về cả số lượng và chủng loại.
Về phía nhà cung ứng, đơn vị bán lẻ phân phối sản phẩm, Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) đã đăng ký phân phối 4.000 mặt hàng lương thực đạt chuẩn ISO, HACCP, GMP; và 224 mặt hàng rau củ quả, thịt gà, trứng gà và thịt heo VietGAP tại các điểm bán trong hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra và Co.op Food. Đồng thời cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để nhân rộng mô hình trên cả nước.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, hiện thành phố đã xây dựng được mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau, đánh bắt và nuôi thủy sản an toàn; xây dựng được 3 chợ đầu mối nông sản, quản lý thực phẩm theo chuỗi, hỗ trợ các cơ sở áp dụng GMP, HACCP trong quá trình sản xuất; xây dựng phường, xã kiểm soát an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố...
Và theo đánh giá của các chuyên gia, vấn đề liên kết cần phải xuất phát từ nhu cầu tự thân cũng như lợi ích của các DN thì sự liên kết mới bền chặt và tạo ra hiệu quả lâu dài.