Kiểm tra chuyên ngành tập trung: DN xuất nhập khẩu bớt khổ
Ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thanh Phong (Q. Tân Bình, TP. HCM) cho biết, mặc dù thủ tục thông quan hàng hóa XNK tại các cửa khẩu hiện nay ngày một thông thoáng, tuy nhiên công ty vẫn phải mất trung bình từ 3 - 4 ngày làm xong các thủ tục giấy tờ để nhận hàng về.
Với đặc thù mặt hàng nhập khẩu chính của công ty là các loại hạt giống cây trồng phải kiểm dịch thực vật theo đúng yêu cầu nên nội việc đi lại giữa các cơ quan chuyên ngành và hải quan để hoàn thành đầy đủ bộ hồ sơ chứng từ cũng đã mất thêm khá nhiều thời gian.
Vì vậy, Công ty Thanh Phong phải bố trí thêm 2 nhân sự để việc làm thủ tục, thông quan hàng hóa được nhanh chóng, kịp tiến độ giao hàng vì nhiều loại hạt giống nếu để quá lâu trong điều kiện ánh sáng, độ ẩm không phù hợp sẽ hư hỏng, ảnh hưởng đến chất lượng gieo trồng và hàng thương phẩm.
“Với tổng giá trị hàng hóa XNK qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất trung bình khoảng vài triệu USD/năm, nếu tiết kiệm được thời gian, công sức đi lại kiểm tra chuyên ngành kết hợp với thông quan thì mỗi DN sẽ giảm thiểu được tối đa các chi phí phát sinh, giảm bớt được việc thuê thêm nhân sự để lo các thủ tục này” – ông Sơn khẳng định.
Không chỉ Công ty Thanh Phong mong muốn giảm tải được thời gian, chi phí thông quan hàng hóa để nâng sức cạnh tranh mà nhiều DN XNK thời gian qua cũng khá vất vả khi phải đi lại, thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành ở nhiều nơi, nhiều điểm.
Trước vấn đề này, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá XNK (Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015), Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã triển khai công tác kiểm tra chuyên ngành tập trung tại một điểm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN XNK giảm thiểu thời gian, chi phí phát sinh do phải đi lại nhiều nơi làm đủ bộ chứng từ thông quan.
Chiều ngày 14/1/2016, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế (CK SBQT) Tân Sơn Nhất và Chi Cục Hải quan CK cảng Sài Gòn khu vực I (Cục Hải quan TP. HCM) đã mở địa điểm kiểm tra chuyên ngành đầu tiên tại hai cửa khẩu này.
Theo đó, các cơ quan kiểm tra chuyên ngành hoạt động gồm Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, Cơ quan thú y vùng VI, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II, Viện Y tế công cộng TP.HCM, Sở Thông tin truyền thông TP.HCM, Sở Văn hoá, Thể thao TP. HCM bố trí cán bộ nhân viên trực tiếp làm việc, thực hiện tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra, thông báo kết quả kiểm tra ngay tại cửa khẩu.
Quy trình tiếp nhận hồ sơ, thông báo kết quả kiểm tra được kết nối với hệ thống một cửa quốc gia hoặc phần mềm kết nối giữa cơ quan Hải quan và cơ quan kiểm tra chuyên ngành.
Ông Lê Tuấn Bình, Phó chi cục Trưởng Chi Cục Hải quan CK SBQT Tân Sơn Nhất cho biết, đây là bước tiến mới của ngành Hải quan nói chung và Cục Hải quan TP.HCM nói riêng trong cải cách hiện đại hoá thủ tục hải quan, tiến đến việc giảm thời gian thông quan hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu ngang bằng với các nước trong khu vực. Song mục tiêu hướng đến của việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành ngay tại cửa khẩu sẽ giúp thay đổi đáng kể về thời gian và chi phí cho DN so với thời gian trung bình trước đây.
Đơn cử, giảm thời gian thông quan 2 ngày nếu lô hàng thuộc diện kiểm tra cảm quan, giảm thời gian 2 - 6 ngày cho việc nhận kết quả kiểm tra vì kết quả được chuyển ngay đến cơ quan hải quan thông qua hệ thống công nghệ thông tin.
Theo số liệu thống kê năm 2014 và 2015, thời gian từ khi đăng ký tờ khai cho đến khi thông quan, giải phóng hàng trung bình đối với hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành là 14 ngày, trong đó thời gian thuộc trách nhiệm của cơ quan Hải quan chiếm 28%.
Kết quả này cho thấy, thời gian thông quan, giải phóng hàng hóa phụ thuộc rất nhiều vào việc kiểm tra của các cơ quan chuyên ngành. Tại Chi cục Hải quan CK SBQT Tân Sơn Nhất, lượng hàng hoá nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành chiếm tỷ lệ 34.12% (chiếm 1/3) số lượng tờ khai nhập khẩu với khoảng 2.500 lượt tờ khai /tháng, 30.000 lượt tờ khai /năm. Như vậy, với việc giảm được từ 2 - 6 ngày kiểm tra chuyên ngành, đồng nghĩa với việc giảm thiểu cho DN 5.000 ngày/tháng, 60.000 ngày/năm.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, để việc kiểm tra chuyên ngành phát huy tối đa hiệu quả, đòi hỏi sự phối hợp cao giữa Hải quan với các cơ quan chuyên ngành, đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đồng thời, kiểm tra chuyên ngành còn tạo điều kiện tối đa cho hoạt động XNK được thông thoáng và tập trung theo cơ chế một cửa từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong tiến trình hội nhập.