Kiều hối vẫn có điểm sáng
Vĩ mô ổn định, sức hút kiều hối trở lại | |
Nguồn vốn vàng của thành phố | |
Nhiều ưu đãi khi nhận kiều hối tại PVcomBank |
Sau con số kỷ lục trên 13 tỷ USD kiều hối về Việt Nam trong năm 2015, năm 2016 chứng kiến sự sụt giảm mạnh của dòng tiền này, khi chỉ đạt khoảng 9 tỷ USD. Tuy nhiên, bước sang năm 2017 tình hình kiều hối đã có tín hiệu phục hồi. Theo thông tin từ NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, lượng kiều hối về thành phố qua kênh chính thức tính đến tháng 8/2017 ước đạt 3 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2016. TP. Hồ Chí Minh là nơi thu hút kiều hối lớn nhất cả nước, nếu giữ vững phong độ, liệu lượng kiều hối năm 2017 sẽ tiếp tục tăng khả quan so với năm 2016?
Thực tế, kiều hối là một nguồn lực quan trọng của đất nước. Theo lý giải của một chuyên gia, “so với những nguồn đầu tư tài chính trực tiếp hay gián tiếp thì kiều hối không phải là đầu tư, nên không có vấn đề hoàn tiền trở lại cho nhà đầu tư, hay việc các nhà đầu tư họ phải chuyển lợi nhuận của họ về nước, kiều hối là nguồn tiền đi một chiều. Thêm nữa, nguồn kiều hối không như nguồn vay của Chính phủ, không có lãi và điều kiện, dù lượng tương đương nguồn từ FDI, FII”.
Dòng kiều hối hướng vào đầu tư, sản xuất kinh doanh |
Chính vì thế, con số kiều hối là rất quan trọng. Việc dòng vốn này có biểu hiện phục hồi càng quan trọng hơn nữa trong bối cảnh nền kinh tế đang đứng trước nhiều thách thức, trước những rủi ro từ thị trường thế giới tác động vào… Tuy nhiên, vẫn có những lo ngại đặt ra về việc khả năng lượng kiều hối năm 2017 sẽ khó quay trở lại thời hoàng kim trước đây và như vậy thì sẽ không thuận lợi cho nền kinh tế Việt Nam? Về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng nguồn tiền từ nước ngoài chảy về không hẳn cứ phải qua kênh kiều hối, mà có thể chuyển sang các kênh đầu tư.
Chẳng hạn hiện nay chúng ta đang có các nguồn tài chính từ nước ngoài khác như FII vào chứng khoán, đầu tư qua mua dự án… Nếu xét về tình hình thực tế, thị trường đầu tư, cơ hội sinh lời cũng như những triển vọng mà nền kinh tế mang lại cho nhà đầu tư nước ngoài, TS-LS. Bùi Quang Tín lại cho rằng năm 2017 có những điểm khác biệt so với năm 2016, là điều kiện để Việt Nam thu hút vốn đầu tư tốt hơn.
“Trước kia, khi người thân ở nước ngoài chuyển tiền về, chúng ta chủ yếu chuyển qua VND, gửi tiết kiệm NH để hưởng lãi suất, sau đó mua lại USD. Hoặc là gửi USD về để chờ thời điểm tỷ giá lên, đầu cơ kiếm lời. Tuy nhiên, lượng kiều hối đổ về Việt Nam hiện nay chủ yếu chuyển hướng sang đầu tư nhiều hơn”, vị chuyên gia này cho biết.
Lý giải sâu thêm về quan điểm của mình, ông Tín nhận thấy kiều bào chuyển tiền về sẽ dưới hình thức M&A, đầu tư chứng khoán, mua cổ phần, cổ phiếu, hoặc sử dụng sản xuất kinh doanh, thành lập DN. Họ vẫn gửi tiền về cho người thân tại Việt Nam, nhưng là để đầu tư. Với những hình thức như vậy, chuyên gia này cho rằng lượng kiều hối trong những tháng cuối năm và trong năm sau chắc chắn sẽ tăng cao hơn.
Ở khía cạnh còn băn khoăn khác, trong cơ cấu thị trường kiều hối, Mỹ chiếm tỷ trọng lớn với khoảng 60% lượng kiều hối chuyển về Việt Nam. Chính sách kinh tế của Mỹ cũng vì thế mà sẽ có những tác động nhất định tới lượng kiều hối chuyển về Việt Nam. Lãi suất USD được kỳ vọng sẽ tăng 3-3,5% tới năm 2019-2020. Trong khi đó, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì áp lãi suất 0% cho tiền gửi USD. Nhiều người cho rằng điểm này khiến cho sụt giảm nguồn kiều hối vì kiều bào thay vì gửi tiền về Việt Nam thì sẽ giữ lại và gửi tiết kiệm tại chỗ để hưởng lãi suất cao hơn.
Song tham vấn ý kiến của một số chuyên gia, phần lớn đều cho rằng đó là suy nghĩ chưa toàn diện. Việc lãi suất USD áp bằng 0% nhưng Việt Nam vẫn kiểm soát tốt biến động của tỷ giá, gửi USD về Việt Nam chuyển sang VND gửi tiết kiệm vẫn có lãi suất khá cao. Và nếu như kiều bào chuyển tiền về có mục đích đầu tư, như thực tế đang diễn ra, thì với một nhà đầu tư không thể chỉ nghĩ tới vấn đề gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất NH.
Thêm nữa, các chuyên gia cũng chia sẻ, nên hướng dòng kiều hối sử dụng cho mục đích sản xuất kinh doanh và trở thành nguồn bổ sung vào dự trữ ngoại hối. Vì về nguyên tắc, nguồn dự trữ ngoại hối phải ổn định để NHNN có thể can thiệp vào thị trường ngoại hối, giữ ổn định cho tiền đồng và cho hàng hoá.
Chỉ trong nửa đầu năm 2017, dự trữ ngoại hối quốc gia đã đạt con số hơn 42 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay, sau khi quy mô dự trữ ngoại hối đã đạt khoảng 41 tỷ USD vào cuối năm 2016. Đây là một trong những điều kiện để giữ ổn định thị trường ngoại tệ. NHNN cũng cho biết sẽ chủ động theo dõi diễn biến để kịp thời có những biện pháp điều hành linh hoạt, chủ động hỗ trợ ổn định tỷ giá, đảm bảo thanh khoản ngoại tệ của nền kinh tế.
Nhiều DN cũng như các TCTD nước ngoài những năm qua đều có nhìn nhận tích cực về chính sách thu hút kiều hối của Việt Nam. Họ cho rằng chính sách ngày càng thông thoáng, tạo điều kiện hết sức cho kiều bào chuyển tiền về Việt Nam, bổ sung nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh, tăng tiêu dùng và thúc đẩy gia tăng đầu tư…