Nguồn vốn vàng của thành phố
Phát triển dịch vụ hỗ trợ hút kiều hối | |
Đa dạng các kênh thanh toán kiều hối | |
Thu hút kiều hối cuối năm |
Cái rốn của kiều hối
Theo số liệu thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM, tính đến hết tháng 7/2017, nguồn kiều hối chuyển qua hệ thống ngân hàng và các công ty chuyển tiền nhanh chính thức đã lên tới 2,6 tỷ USD. Nếu quy đổi theo tỷ giá mua vào USD của các NHTM tại thời điểm cuối tháng 7, TP.HCM đã có khoảng 60.000 tỷ đồng vốn, bằng 53% so với cả năm 2016.
Trong nhiều năm qua TP.HCM luôn được ví là cái rốn của kiều hối. Nếu năm 2012 tổng lượng kiều hối chuyển vào Việt Nam là 10 tỷ USD thì TP.HCM chiếm đến 38%, trong ba năm sau đó TP.HCM luôn giữ tỷ lệ trên 40% tổng lượng kiều hối của cả nước và năm 2016 chiếm quá nửa (55,5%) tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam.
Dịch vụ chi trả kiều hối đã giúp ngân hàng mở rộng thêm dịch vụ |
Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù lãi suất đồng đô-la Mỹ có tăng lên nhưng lượng kiều hối trong những tháng đầu năm 2017 tiếp tục đổ về Việt Nam. Trong đó, lượng kiều hối đổ về TP.HCM được cho là ổn định và có chất lượng nhất.
Theo đánh giá của Bộ phận Nghiên cứu Tổng hợp thuộc NHNN chi nhánh TP.HCM, nguồn kiều hối chuyển về thành phố luôn giữ vị trí cao nhất cả nước đã góp phần trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế thông qua hoạt động sử dụng kiều hối của thành phố để đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Theo đó tạo điều kiện nâng cao mức sống của người dân, xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy kinh tế thành phố tăng trưởng bền vững.
Ở góc độ vĩ mô, kiều hối là nguồn lực quan trọng trong hỗ trợ điều hành và quản lý thị trường ngoại hối hoạt động hiệu quả và góp phần vào hỗ trợ điều tiết cán cân thanh toán trong nền kinh tế.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong 30 năm đổi mới từ khi có quyết định cho phép người dân sở hữu ngoại tệ và các công ty kiều hối được tự do chuyển ngoại tệ vào đất nước, lượng kiều hối về Việt Nam tương đương với khoảng 100 tỷ USD, trong khi đó hoạt động thu hút các nguồn vốn quốc tế bao gồm FDI, ODA… cũng có mức hơn 93 tỷ USD. Cùng thời gian này thống kê chính thức cho thấy TP.HCM trung bình mỗi năm có khoảng 4,76 tỷ USD là một nguồn lực rất lớn có giá trị hơn các nguồn tài nguyên khoáng sản khác để phát triển kinh tế - xã hội.
Cần có chính sách tốt tạo nguồn cung kiều hối
Mặc dù lượng kiều hối vẫn chảy đều vào Việt Nam, tuy nhiên các nhà xã hội học gần đây đã lên tiếng cảnh báo về quá trình chững lại của dòng kiều hối. Khi các thế hệ người Việt ở nước ngoài đã già đi và mối thân tình với thân nhân trong nước cũng giảm theo qua hai ba thế hệ dòng họ. Điều này đòi hỏi phải có cơ chế chính sách thu hút kiều hối trong giai đoạn mới để đầu tư cho phát triển như không đánh thuế vào người có thu nhập từ nhận kiều hối. Hiện ở TP.HCM, qua các con số thống kê kiều hối cho thấy, lượng kiều hối chuyển từ Mỹ về luôn chiếm tỷ trọng cao nhất (50-60%) so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau.
Kiều hối nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế |
Dịch vụ chuyển kiều hối thông qua mạng lưới chi trả kiều hối phát triển rộng khắp như ở TP.HCM, nhất là hiện nay việc ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại cho phép chuyển tiền nhanh chóng dễ dàng với nhiều hình thức chi trả tại nhà. Từ đó đã giúp cho các ngân hàng mở rộng dịch vụ nên hầu hết các ngân hàng đều có dịch vụ chi trả kiều hối. Đặc biệt chính sách tỷ giá thời gian qua đã gián tiếp hỗ trợ các dòng kiều hối của kiều bào gửi về nước.
Bên cạnh đó các giải pháp kinh tế của Chính phủ phát huy hiệu quả cũng tác động trực tiếp vào việc thu hút kiều hối. Trong đó có một bộ phận tiền kiều hối của kiều bào mang vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh và gần đây có sự đóng góp thêm kiều hối từ xuất khẩu lao động.
Theo NHNN chi nhánh TP.HCM để đa dạng hóa nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam trong thời gian tới, cần phải có chính sách tỷ giá ổn định, nâng cao kỷ luật thị trường và hạn chế tình trạng chuyển kiều hối qua kênh không chính thức. Theo đó gắn với hoạt động phòng chống rửa tiền, xâm phạm an ninh quốc gia liên quan đến các dòng kiều hối. Phải có cơ chế chính sách tốt để định hướng và tạo động lực cho kiều hối chảy vào đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó các chuyên gia tài chính khuyến nghị Nhà nước phải tạo ra một nguồn cung cho kiều hối trong tương lai bằng việc tạo môi trường cho các sinh viên du học nước ngoài ở lại và lao động trong các tập đoàn đa quốc gia để có thu nhập gửi về. Theo đó, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài nên làm những cầu nối cho du học sinh ở các thị trường lớn, thậm chí kết nối việc làm cho du học sinh nước ngoài để tạo nguồn cung kiều hối. Cùng với đó ở trong nước nên có chính sách phát triển khám chữa bệnh chất lượng cao để thu hút người nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh cũng là một kênh thu hút nguồn lực ngoại tệ nước ngoài.