“Lá chắn” an toàn cho ví điện tử
Đề xuất 5 điểm cấm trong sử dụng Ví điện tử | |
Cạnh tranh ví điện tử gia tăng |
Bên cạnh mặt tích cực mà ví điện tử đem lại là thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tiết giảm chi phí thanh toán và tiết kiệm thời gian, tiện lợi cho người dùng thì hiện nay hầu hết các ví điện tử cũng đang đối mặt với nhiều nguy cơ bị lợi dụng để thực hiện các hành vi phạm pháp như: lừa đảo, rửa tiền, gian lận thương mại… Việc bảo mật của các ví điện tử hiện cũng được nhiều ý kiến cho rằng chưa được chặt chẽ và có nhiều khả năng bị tội phạm công nghệ tấn công.
Ảnh minh họa |
Trước thực tế trên, việc mới đây NHNN bổ sung nhiều quy định chặt chẽ, cụ thể về khai thác và sử dụng ví điện tử trong Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán được nhiều chuyên gia đánh giá là tích cực và hợp lý trong bối cảnh hiện tại.
Tiến sĩ, luật sư Bùi Quang Tín (Đại học Ngân hàng TP.HCM) cho rằng, việc dự thảo thông tư yêu cầu người dùng ví điện tử phải cung cấp thông tin cá nhân là hợp lý. Bởi quy định này sẽ giảm tránh được tình trạng một người mở hàng chục tài khoản ví điện tử cho các mục đích sai trái, vi phạm pháp luật.
Khi các ví điện tử được đăng ký cụ thể, các cơ quan quản lý sẽ có điều kiện để kiểm soát tốt hơn kênh thanh toán này, nhất là trong các năm tới, với sự phát triển mạnh của hạ tầng thanh toán, các DN công nghệ tài chính sẽ mở thêm nhiều ví mới và tăng mạnh số lượng người dùng.
Đại diện phía CTCP Thanh toán quốc gia (Napas) cũng tỏ ra đồng tình với dự thảo thông tư khi cho rằng hạn mức thanh toán tối đa qua ví điện tử (cá nhân: 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng; tổ chức: 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng - PV) là hợp lý, bởi thanh toán qua ví điện tử hiện tại chủ yếu vẫn nhắm vào các khoản thanh toán nhỏ.
“Mức thanh toán 100 triệu đồng/tháng là hợp lý khi dùng ví để thanh toán các hóa đơn thu hộ, hóa đơn mua hàng online và trả cho các dịch vụ ăn uống, di chuyển hàng ngày của khá nhiều người dùng. Trong khi đó, mức thanh toán 500 triệu đồng/tháng là con số khá phù hợp với nhiều thương gia, chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay”, đại diện Napas nêu quan điểm.
Ngoài ra, cũng theo Napas việc bổ sung quy định đối với các hành vi bị cấm khi sử dụng ví điện tử như: cấm dùng ví để thực hiện các giao dịch rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận; cấm mua bán, chuyển nhượng ví điện tử; cấm mở và duy trì ví điện tử nặc danh… cũng rất cần thiết để tránh các trường hợp các loại ví điện tử bị lợi dụng làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái thanh toán không dùng tiền mặt.
Đồng tình các quan điểm trên, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc quy định các ví điện tử phải liên kết với tài khoản người dùng tại các NHTM để nạp tiền vào ví là rất hiệu quả để kiểm soát phòng chống tham nhũng và rửa tiền. Theo ông Hiếu mặc dù có thể hơi bất tiện với người dùng nhưng việc liên kết với tài khoản ngân hàng, cung cấp thông tin về tài khoản sẽ là “lá chắn” tài chính cho khách hàng thay vì khách hàng tự nạp thẳng tiền vào ví tại điểm nộp.
Tuy nhiên, cả ông Hiếu và đại diện tổ chức ZaloPay đều cho rằng nếu quá khắt khe trong việc khai báo các thông tin người sử dụng và hạn chế về hạn mức thanh toán như dự thảo thông tư thì có thể sẽ gây ra rào cản khi khách hàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ ví điện tử.
Bà Trương Cẩm Thanh - Chủ tịch ZaloPay cho rằng với hạn mức 100 triệu đồng/tháng và 500 triệu đồng/tháng như hiện nay, những nhóm khách hàng thường xuyên dùng ví điện tử để mua vé máy bay, thanh toán các dịch vụ nghỉ dưỡng cho gia đình và tập thể sẽ không đủ để chi trả.
Ông Nguyễn Trí Hiếu đề xuất nâng hạn mức này lên gấp đôi so với con số mà dự thảo thông tư đưa ra. Cụ thể, hạn mức thanh toán ví điện tử của cá nhân có thể áp dụng tối đa 50 triệu đồng/ngày, 200 triệu đồng/tháng còn các tài khoản ví của tổ chức, DN có thể quy định mức tối đa 200 triệu đồng/ngày và 1 tỷ đồng/tháng.