Làm gì để phát triển M.I.C.E?
Khai mạc Hội chợ Du lịch quốc tế Đà Nẵng 2016 | |
BMTM Da Nang 2016: Du lịch và hơn thế nữa |
Tại Hội thảo du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp và M.I.C.E do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND TP. Đà Nẵng vừa tổ chức, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết hiện nay tại Việt Nam, bên cạnh việc duy trì các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái… thì những dòng sản phẩm chuyên biệt cũng đã được nghiên cứu đẩy mạnh.
Trong đó, du lịch nghỉ dưỡng biển kết hợp hội nghị, hội thảo (M.I.C.E) đang trở thành xu hướng, một sản phẩm chuyên biệt mà Việt Nam có lợi thế… Trong khi đó, theo bà Mary Mc Keon, Trưởng nhóm tư vấn Dự án EU-ESRT, du lịch nghỉ dưỡng biển và M.IC.E đang được thị trường châu Âu quan tâm. Và đây là một thị trường tiềm năng với hơn 1 triệu lượt khách đến Việt Nam hàng năm, chiếm 15% tổng số lượt khách quốc tế đến Việt Nam (năm 2015)…
TP. Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch M.I.C.E |
Khu vực Duyên hải miền Trung đang có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch M.I.C.E, trong đó nổi lên là TP. Đà Nẵng. Địa phương này đang trở thành một điểm đến lý tưởng không chỉ đối với khách du lịch trong nước, mà cả quốc tế. Sự phát triển đồng bộ của các cơ sở lưu trú 4-5 sao, các resort, trung tâm hội nghị, trung tâm giải trí và cơ sở hạ tầng giao thông là các thế mạnh mà Đà Nẵng đang có so với các điểm đến khác.
Thực tế cũng cho thấy, những năm gần đây TP. Đà Nẵng đang nổi lên không chỉ là địa chỉ của du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, mà còn là điểm đến của những sự kiện trong nước và quốc tế. Địa phương đã tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc tế như Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Cuộc thi Marathon quốc tế… và sắp tới là Đại hội Thể thao bãi biển châu Á (ABG), Tuần lễ cấp cao APEC…
Theo ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, thành phố hội tụ nhiều tiềm năng, có nhiều điều kiện để phát triển nghỉ dưỡng biển và du lịch M.I.C.E, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.
Hiện, Đà Nẵng có 535 khách sạn và khu nghỉ dưỡng với trên 20.000 phòng, với nhiều thương hiệu lớn như Pullman, Furama, Intercontinental, Vinpearl, Crowne… đảm bảo đón các đoàn khách M.I.C.E khi đến Đà Nẵng tổ chức hội thảo, nghỉ dưỡng.
Để thu hút du khách đến Đà Nẵng, trong thời gian tới ngành du lịch thành phố sẽ tiếp tục cho ra mắt nhiều sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng mới như, khu du lịch suối khoáng nóng núi Thần Tài trên địa bàn huyện Hòa Vang, với các phòng tắm khoáng, tắm bùn thể thao, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng; đưa vào khai thác ở giai đoạn 2 khu du lịch Bà Nà Hills; khai thác các hạng mục mới tại Công viên châu Á…
Tuy nhiên, để phát triển M.I.C.E tại TP. Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước một cách bền vững, bà Mary Mc Keon cho rằng, cần phải có kế hoạch “dài hơi”. Trong đó, bao gồm các bước như, tăng cường quảng bá, tập trung tiếp thị để thu hút du lịch M.I.C.E, tổ chức các sự kiện lớn…
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, cũng đưa ra đề xuất phát triển Đà Nẵng thành Trung tâm hội nghị, hội thảo, sự kiện, kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng với các giải pháp cụ thể như thành lập Trung tâm Hội nghị và khách du lịch; xây dựng Trung tâm Hội nghị quốc tế; tập trung quảng bá hình ảnh Đà Nẵng là điểm đến mới, hấp dẫn của M.I.C.E, mở các đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng…
Để thúc đẩy hơn nữa loại hình dịch vụ du lịch này, ba địa phương là Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế sẽ liên kết đề nghị có một số chính sách cho phù hợp, đặc biệt là với xúc tiến, quảng bá.
Bên cạnh đó, những giải pháp để phát triển nguồn nhân lực du lịch M.I.C.E cũng được đặc biệt quan tâm. TS. Phan Văn Lưu, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch cho rằng, phải nhanh chóng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho du lịch M.I.C.E.
Theo đó, đội ngũ nhân lực phải có kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về lĩnh vực này; phải xây dựng và tập huấn triển khai quy trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của nhân lực du lịch chất lượng cao ...