Lắng nghe tiếng rừng
Khi rừng “chảy máu”... | |
Lỗ hổng quản lý rừng |
Ảnh minh họa |
Niềm tự hào quốc gia “rừng vàng biển bạc” của Việt Nam dường như đang mờ phai đi ít nhiều, nhất là sau vụ việc ô nhiễm biển miền Trung, hay đặc biệt là những vụ gỗ rừng bị lâm tặc đốn hạ được phát giác. Thậm chí sau nhiều nỗ lực ngăn chặn thì hiện nay chúng ta vẫn thường xuyên phải chứng kiến nạn chặt phá rừng “thảm khốc”.
Tôi lại nhớ chỉ mới đây thôi, cơ quan chức năng tại tỉnh Quảng Nam đã phát hiện xe khách 16 chỗ có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, đồng thời buộc dừng xe kiểm tra. Tại thời điểm cơ quan chức năng buộc dừng phương tiện, hai người ngồi trên xe mở cửa bỏ chạy, lực lượng chức năng truy đuổi nhưng các đối tượng lẩn vào đêm tối thoát thân.
Kiểm tra phương tiện, cơ quan chức năng phát hiện trong xe chở 10 phách gỗ lớn với khối lượng hơn 2 m3 được xếp đầy xe. Trong xe không có hành khách. Đáng chú ý, trên xe gắn biểu tượng xe tang để qua mắt lực lượng chức năng. Lái xe sau đó đã ra trình diện, nhưng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ gỗ trên xe…
Thế mới thấy tình trạng buôn bán, vận chuyển gỗ lậu ngày càng tinh vi. Và qua đó tất cả còn nhận thấy “máu rừng” vẫn chảy, lâm tặc đâu đó vẫn chặt hạ cây trái phép hàng ngày. Nhưng không chỉ là chuyện mất đi tài nguyên rừng. Giải thích một cách khoa học, nạn chặt phá rừng còn dẫn đến tình trạng lũ lụt. Khi rừng đầu nguồn bị chặt phá, cường độ của lũ lụt đi nhanh, làm cho nước dâng cao rất nhanh...
Cho nên, việc nhiều diện tích rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ ở các tỉnh miền Trung bị san bằng, nhiều chỗ rừng bị chặt để nhường chỗ xây dựng các nhà máy thủy điện, đang làm mất khả năng điều tiết nước thượng nguồn khi mưa lớn, đây là một nguyên nhân khiến lũ lụt ngày thêm trầm trọng.
Miền Trung cho đến tận tháng rồi vẫn còn cảnh lũ lụt trên diện rộng. Dù “gió mưa là việc của trời” thì chuyện tan hoang hoa màu, vật nuôi và con người phải “vùng vẫy” trong nước lũ vẫn đem đến những ám ảnh đầy vị đau thương. Giữa mưa xuống và nước dâng, tiếng dân chạy lụt đã vang xa, và trong bè trầm còn vọng tiếng rừng đau xót.