Khi rừng “chảy máu”...
Điều tra bổ sung vụ phá rừng Cà Nhông | |
“Máu” rừng bao giờ hết chảy |
Ảnh minh họa |
Đặc biệt là với rừng. Bất chấp đây là nhân tố rất quan trọng đối với con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay, những kẻ vô tâm bị đồng tiền làm lóa mắt vẫn từng ngày từng giờ chặt phá rừng trái phép.
Họ đâu hiểu rằng, khi rừng mất đi một thân cây sẽ như con người bị gỡ bỏ một mảnh nhỏ của tấm khiên ngăn chặn tác động tiêu cực từ môi trường. Bởi mưa xuống sẽ làm cho lũ, lụt kéo về nhanh hơn, hệ lụy đối với con người thảm khốc hơn và hệ động thực vật cũng “giãy chết” vì không còn môi trường sống...
Nhưng bất chấp tất cả, gần đây một sự việc thu hút sự quan tâm của người dân cả nước, đó là lực lượng chức năng tại tỉnh Quảng Nam đã phát hiện vụ phá rừng pơmu đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực giáp biên giới Việt - Lào. Theo đó, người dân xã La Dêê (Nam Giang, Quảng Nam) phát hiện 280 phách gỗ pơmu (28 khối) đã được cưa xẻ, giấu cách Trạm Biên phòng cửa khẩu Đắc Ốc (thuộc Đồn Biên phòng La Dêê) khoảng 500m.
Sau đó, Công an huyện Nam Giang vào cuộc điều tra thì phát hiện 8,2 khối gỗ pơ mu giấu ngay trong khuôn viên Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang và lực lượng hải quan không lý giải được về nguồn gốc số gỗ này. Tiếp tục điều tra, lực lượng công an lại phát hiện 2 bãi tập kết gồm 85 phách gỗ pơmu giấu trong bụi rậm cách trụ sở hải quan khoảng 50m...
Đáng chú ý, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam cho biết thêm, ngoài các cây pơmu bị đốn hạ như trên thì còn rất nhiều cây pơmu khác bị hạ ở ngay sát khu vực nhưng nằm trên phần đất của nước bạn Lào. Nhiều cây pơmu đã bị lâm tặc cưa gần đứt, dù chưa đổ nhưng chỉ cần “cơn gió nhẹ” rồi cũng sẽ đổ.
Khi biết vụ chặt phá rừng đặc biệt nghiêm trọng này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngay lập tức giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Quảng Nam điều tra, làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định…
Như vậy, chắc chắn các hành vi vi phạm pháp luật nêu trên sẽ được xét xử với mức xử phạt “thẳng tay” cho các đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, rừng đã “chảy máu” nghiêm trọng và để khắc phục được hậu quả từ hành vi phá rừng nêu trên thì có thể còn phải mất nhiều thế hệ nữa mới làm được. Hành vi chặt phá rừng đó, nói rộng ra, không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn có thể quy cho việc “ăn trộm” của để dành của tiền nhân cho các thế hệ đi sau.