Liên kết để nâng tầm hoạt động
Đầu tư và đổi tư duy để cạnh tranh | |
Cạnh tranh nội - ngoại: Sân nhà phải vững | |
Liên kết để nâng cao sức cạnh tranh |
DN ngoại lấn lướt
Mới đây, Công ty cổ phần đầu tư Thế giới Di động đã bị yêu cầu rút 22 cửa hàng ra khỏi hệ thống siêu thị BigC Việt Nam, sau khi BigC Việt Nam chuyển giao về tay Central Group - một trong 5 tập đoàn kinh doanh lớn nhất Thái Lan.
Tập đoàn này hiện đã “tấn công” mạnh mẽ vào thị trường bán lẻ Việt Nam với các mô hình bán lẻ khác nhau, bao gồm 4 trung tâm thương mại Robins, 27 cửa hàng thể thao SuperSport, 30 cửa hàng thời trang Crocs và New Balance, 1 khách sạn và 21 trung tâm bán lẻ điện máy Nguyễn Kim, 1 kênh thương mại điện tử, 13 siêu thị Lan Chi.
Các DN trong nước cần có sự hợp tác, liên kết để tạo nên sức mạnh tổng hợp |
Không kém cạnh Central Group, một tập đoàn lớn của Thái Lan có mặt tại Việt Nam từ năm 1990 và đang nắm giữ 7% thị phần thịt heo, 16% thị phần trứng gà công nghiệp và 22% thịt gà công nghiệp là CP Group cũng đang có kế hoạch phát triển khoảng 1.000 cửa hàng bán lẻ 7- Eleven tại Việt Nam…
CP Group với thế mạnh đang sở hữu mô hình hoạt động 24/24 giờ với thương hiệu 7-Eleven tại Thái Lan, cung cấp mọi nhu cầu của người tiêu dùng từ thực phẩm, mỹ phẩm đến văn hóa giải trí… nên sẽ là một trong những “đối thủ đáng gờm” của DN bán lẻ Việt Nam.
Không chỉ các “đại gia” Thái Lan, Nhật Bản được xem là nước thứ 2 đến với cuộc đua tại thị trường bán lẻ Việt Nam khi mở rộng hệ thống siêu thị Aeon Mall. Theo đó, Tập đoàn Aeon cũng đã mua 49% cổ phần của Citimart và 30% cổ phần của Fivimart và đã mở 4 trung tâm thương mại mua sắm tại TP.HCM và dự kiến đến năm 2020 sẽ mở rộng khắp Việt Nam với 20 trung tâm mua sắm và hàng ngàn siêu thị.
Ngoài các DN đến từ Thái Lan, Nhật Bản, từ đầu năm đến nay đã có rất nhiều DN trong hoạt động bán lẻ thực hiện mua bán và sáp nhập. Theo số liệu thống kê mới nhất, chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2016, giá trị các thương vụ mua bán và sáp nhập tại Việt Nam ước tính đã vượt mốc 3 tỷ USD, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm 2015 và nhiều khả năng có thể đạt 6 tỷ USD vào cuối năm nay. Theo đánh giá, hiện thị trường bán lẻ trong nước đã bị DN ngoại chiếm đến 53% thị phần.
Liên kết để tạo sức mạnh
Trước việc Thế giới Di động bị đánh bật ra khỏi hệ thống BigC, nhiều DN tỏ ra lo ngại liệu hàng hoá trong nước không cạnh tranh được với hàng hoá của các DN ngoại của nhà bán lẻ nước ngoài và khả năng tăng giá hàng hóa khi thị trường bị các đơn vị này thống lĩnh. Trước những vấn ngại đó, nhiều chuyên gia cho rằng, để DN trong nước có thể tồn tại và cạnh tranh được lúc này thì cần phải có sự hợp tác, liên kết với nhau để tạo nên sức mạnh tổng hợp.
Hiện nay, việc liên kết các DN khá thành công phải kể đến là hai đơn vị Saigoan Co.op và Vingroup. Theo đó, Saigon Co.op đã chủ động liên kết đầu tư và bao tiêu sản phẩm của các nhà sản xuất, HTX, nhà vườn, hộ nông dân để tạo nguồn hàng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng và tạo đầu ra cho sản phẩm VietGAP.
Cũng vậy, Vingroup đã ký kết hợp tác về phân phối với các DN để hỗ trợ đưa hàng vào hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ của Vingroup với các điều kiện ưu đãi hợp lý. Thậm chí, các DN cung ứng thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống như thịt, cá, gia cầm, rau củ quả, trái cây… sẽ được hưởng mức chiết khấu bằng 0%.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng, việc cần làm lúc này là các DN nội nếu không đủ sức cạnh tranh với DN ngoại thì phải chuẩn bị cho mình một kênh phân phối riêng. “Điều này đồng nghĩa với việc các DN nội phải liên kết với nhau để tạo một chuỗi cung ứng từ sản xuất đến thương mại”, TS.Tín chia sẻ.
Trong khi đó, theo luật sư Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN TP.HCM, Bộ Công Thương và các địa phương cần phải áp dụng các quy tắc để ưu tiên bán lẻ cho các DN trong nước.
Ngoài ra, cần kiểm tra có hay không việc ưu đãi cạnh tranh không lành mạnh của các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài đối với các hàng hóa trong nước và hàng hóa chính quốc, từ đó nhà nước cần xem lại việc quản lý thị trường bán lẻ, chính sách của DN bán lẻ đối với các nhà cung ứng, và các DN sản xuất hàng hóa cũng phải xem xét lại mình.
“Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt cần phải thực hiện là tăng cường tính kết nối giữa các nhà bán lẻ và các nhà sản xuất nội địa. Hai phía đều chung mục tiêu là phục vụ người tiêu dùng, nếu DN bán hàng có lợi nhuận thì siêu thị cũng sẽ lời nhiều. Việc liên kết của các DN cùng ngành hàng cũng tạo áp lực lại với các nhà phân phối nước ngoài”, ông Hưng cho biết.
“Các DN bán lẻ nội địa vẫn còn cơ hội giành lại thị trường. Lý do trong thị trường mới nổi, quá trình xâm nhập của các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ trải qua 4 giai đoạn, trong đó giai đoạn 3 là nhà bán lẻ ngoại lấn át; đến giai đoạn 4, nhà bán lẻ nội địa bừng tỉnh liên kết lại thì sẽ vượt lên làm chủ. Thị trường bán lẻ Việt Nam cũng sẽ đi đến giai đoạn thứ 4 nếu nhà bán lẻ, nhà sản xuất và Nhà nước cùng hợp sức hành động”, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, nguyên Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM - Saigon Co.op, khẳng định. |