Liên kết để nâng cao sức cạnh tranh
Liên kết để phát triển lành mạnh | |
Hiện đại để nâng cao sức cạnh tranh |
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội DN TP.Hồ Chí Minh cho biết, hiện cả nước có hơn 700 siêu thị, 132 trung tâm thương mại. Theo quy hoạch phát triển, đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 1.200- 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm.
Với kế hoạch này, tỷ lệ bán lẻ thông qua các kênh phân phối này sẽ được nâng lên là 45%. Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện kênh phân phối bán lẻ hiện đại lại đang do các DN ngoại chi phối.
Các tập đoàn nước ngoài đã và đang tham gia mạnh mẽ vào lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam |
Thực tế thời gian qua, các tập đoàn nước ngoài đã và đang tham gia mạnh mẽ vào lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam bằng việc mua lại các thương hiệu lớn như Central Group “thâu tóm” BigC, mua lại 49% cổ phần tại Nguyễn Kim và mua lại trang bán hàng điện tử Zalora Việt Nam. Hay, Tập đoàn bán lẻ Hàn Quốc Lotte Mart đặt kế hoạch tới năm 2020 sẽ có 60 trung tâm thương mại tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 3,2 tỷ USD.
Tương tự, Tập đoàn C.P Group đang nắm giữ gần 40% thị phần cung cấp trứng cho hệ thống siêu thị tại Việt Nam và không ngừng mở rộng thêm nhiều siêu thị, trung tâm thương mại…
Điều đó cho thấy, các DN nước ngoài đang nắm giữ thị phần lớn kênh phân phối bán lẻ trong nước cả về số lượng lẫn doanh thu. Ngược lại, các nhà bán lẻ nội địa ngày càng bị thu hẹp về thị phần và năng lực cạnh tranh.
Trước vấn đề này, theo ông Nguyễn Ngọc Hoà, Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, thay vì co cụm, các nhà bán lẻ trong nước nên mở rộng đầu tư mạng lưới cũng như kênh phân phối, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động.
Đồng thời, về phía nhà sản xuất cần tăng năng lực cạnh tranh bằng đầu tư dây chuyền sản xuất, công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, cùng sự khác biệt để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng...
Bên cạnh đó, ông Hòa cũng nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cấp bách của việc xây dựng và triển khai Đề án phát triển hệ thống bán lẻ Việt Nam. Đồng thời, phải hình thành những nhà bán lẻ mạnh có vai trò dẫn dắt, hỗ trợ phát triển thị trường cho DN Việt; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, phân biệt đối xử, gây sức ép, lợi dụng ưu thế thị phần lớn.
Với tư cách là người tham gia trực tiếp trong ngành, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Sài Gòn Food cho rằng, các DN cung cấp, phân phối sản phẩm phải liên kết với nhau để có tiếng nói chung thì mới có hiệu quả. Theo bà Lâm, chỉ có bắt tay liên kết với nhau thì các DN bán lẻ trong nước mới tạo ra sức mạnh đối trọng với các đại gia bán lẻ nước ngoài mạnh về tiềm lực tài chính và kinh nghiệm thương trường...
Đồng tình với quan điểm này, ông Trương Phú Chiến, Phó tổng giám đốc CTCP Bánh kẹo Bibica cho biết, các nhà cung cấp nên liên kết với nhau để hình thành các điểm bán hàng, tránh sự phụ thuộc vào kênh bán lẻ hiện đại và liên kết với các nhà cung cấp khác mở các điểm phân phối với nhiều sản phẩm khác nhau.
Hiện nay, Bibica đã có khoảng 950 điểm bán và dự kiến sẽ tăng lên hơn 1.000 điểm trong năm 2016. Tuy nhiên, để kết nối nhà sản xuất và nhà phân phối, cần có những chính sách, chương trình đem lại lợi ích cho cả hai bên.
"Vấn đề mấu chốt cần phải thực hiện là tăng cường tính kết nối giữa các nhà bán lẻ và các nhà sản xuất nội địa. Hai bên đều chung mục tiêu là phục vụ người tiêu dùng. Việc liên kết của các DN cùng ngành hàng cũng sẽ tạo áp lực lại với các nhà phân phối nước ngoài", ông Chiến cho biết thêm.
Theo Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, để phát triển thị trường trong nước, Chính phủ cần sớm ban hành một số chính sách đối với lĩnh vực này.