Liên kết hỗ trợ khởi nghiệp
Hà Nội chi gần 7 tỷ đồng ươm mầm các dự án khởi nghiệp CNTT | |
Nhà nước sẽ góp vốn cho khởi nghiệp |
Ảnh minh họa |
Hiện tại, Việt Nam có khoảng 1.800 DNKN, 20 quỹ đầu tư mạo hiểm có hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 21 cơ sở vườn ươm khởi nghiệp và 7 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, cùng một số nhà đầu tư là các doanh nhân đã khởi nghiệp thành công.
Trong khi tại Israel - quốc gia khởi nghiệp hàng đầu thế giới, hiện có khoảng 70 quỹ đầu tư mạo hiểm, 14 trong số đó đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, châu Âu và Hoa Kỳ. Quan trọng nhất là Chính phủ Israel đóng vai trò như một “vườn ươm công nghệ hiện đại”, cung cấp các khoản tài trợ chiếm 50 - 80% kinh phí cần thiết cho việc hình thành một công ty trong các lĩnh vực mới, mà không đòi hỏi cổ phần hay nắm quyền điều hành, ông Avi Luvton, Giám đốc Điều hành Chương trình Hợp tác Quốc tế Vụ Châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đổi Mới Israel dẫn chứng.
Hội thảo quốc tế “Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo Việt Nam, bài học thực tiễn từ Israel” đã góp phần “giải mã” một phần những yếu tố quan trọng để xây dựng một quốc gia khởi nghiệp vững mạnh như Israel, để từ đó chính phủ Việt Nam sẽ có những quyết sách cần thiết, hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Một “tư duy cùng thắng” dường như đã xuất hiện, ngày càng nhiều hình thức hợp tác chiến lược, hai bên cùng có lợi, giữa DN với tổ chức thúc đẩy DN (Business Accelerator), hay giữa các DN với nhau nhằm hỗ trợ các startup.
Mới đây nhất, là sự “bắt tay” giữa Vietnam Silicon Valley (VSV) và tập đoàn công nghệ hàng đầu Microsoft, khiến cộng đồng khởi nghiệp có quyền mơ ước không chỉ được cung cấp những kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất của Hoa Kỳ về phát triển, đào tạo, thúc đẩy DN, cũng như tài trợ và đầu tư, mà còn nhận được sự hỗ trợ về công nghệ và các giải pháp hạ tầng tiên tiến cùng nhiều ưu đãi đặc biệt từ Microsoft.
Đây mới chính là những lợi ích thiết thực nhất, giúp tăng cường năng lực kép thực sự, hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển của các DNKN tại Việt Nam, bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm Đề án VSV cho biết. Sự hợp tác này đang tạo ra những cơ hội ngang nhau để mọi ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dễ dàng tiếp cận các nhà đầu tư.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT nhấn mạnh, các startup rất cần sự đầu tư và cố vấn sớm từ các “nhà đầu tư thiên thần”. Các ý tưởng khởi nghiệp tại Việt Nam luôn cần cố vấn liên tục, theo quy trình “Khởi nghiệp tinh gọn” với mục tiêu sớm nhất có thể tạo ra sản phẩm mà thị trường thật sự cần, không chỉ ở Việt Nam mà phải nhắm đến cả thị trường khu vực và thế giới.
Trong thời đại của công nghệ, chiến thắng sẽ chỉ thuộc về những người sáng tạo, dám đương đầu với thách thức. Sự non yếu về quản trị, sự thiếu thốn về vốn, sự lạc hậu về công nghệ đang mở ra cơ hội cho Microsoft hay FPT… đóng vai trò như một tổ chức thúc đẩy khởi nghiệp hỗ trợ tư vấn các giải pháp công nghệ.
Thực tế FPT Ventures đang dành sự hỗ trợ đặc biệt cho DNKN không chỉ về hạ tầng công nghệ, mà còn cả các nguồn lực tài chính. Minh chứng cụ thể là FPT vừa hợp tác với Dragon Capital Group, Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) và Công ty cổ phần chứng khoán BIDV (BSC) đưa Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) đi vào hoạt động.
VIISA không chỉ hỗ trợ giải pháp công nghệ; cung cấp chuyên môn về tài chính và đầu tư; mạng lưới toàn cầu để công ty mở rộng ra nước ngoài, đặc biệt tại Hàn Quốc; các dịch vụ quản lý tài chính... mà đặc biệt hơn, còn giúp các startup kết nối với hơn 100 doanh nhân, cố vấn, các nhà đầu tư đến từ các tập đoàn lớn trên thế giới như Facebook, IBM, FPT, Dragon Capital Group, Hanwha, Grant Thornton, JFDI, BIDV, Golden Gate… gọi vốn đầu tư lên tới 500.000 USD tại Demo Day (dự kiến diễn ra trong tháng 3/2017).