Nhà nước sẽ góp vốn cho khởi nghiệp
Doanh nghiệp khởi nghiệp được vay ưu đãi lãi suất tại VietinBank | |
Khởi nghiệp từ món vay nhỏ | |
Vốn cho khởi nghiệp: Không nhất thiết phải tín dụng |
Khung pháp lý cho khởi nghiệp đang dần hoàn thiện khi các hỗ trợ cho hoạt động này được quy định trong dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) công bố mới đây. Cùng với luật này, Thông tư về quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo cũng đang được xây dựng, hứa hẹn sẽ khuyến khích và thúc đẩy đầu tư cho khởi nghiệp.
Ảnh minh họa |
Ông Lê Văn Khương, Trưởng phòng Phát triển DNNVV, Cục Phát triển DN, Bộ KH&ĐT cho biết, dự thảo luật quy định cho phép hình thành các quỹ hỗ trợ và quỹ đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương và của khu vực tư nhân.
Ban soạn thảo khẳng định, mô hình hoạt động của quỹ này được thiết kế theo hướng hiện đại và tiệm cận với thông lệ quốc tế. Đây là mô hình mà nhiều nước như Singapore, Isarel… đã áp dụng thành công để thúc đẩy nguồn vốn cho khởi nghiệp.
Theo đó, dự thảo luật quy định quỹ đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của khu vực tư nhân được hình thành từ vốn góp hợp pháp của các NĐT với mục đích đầu tư vào các DN, tổ chức và cá nhân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên như ở nhiều quốc gia khác, thị trường đầu tư khởi nghiệp ban đầu còn rất mới mẻ và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho NĐT. Vì vậy luật quy định Nhà nước cần tham gia góp vốn, tối đa là 30%, cùng các NĐT tư nhân để hỗ trợ cho DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Cụ thể là Nhà nước thông qua Quỹ Phát triển DNNVV và quỹ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của địa phương để góp tối đa 30% tổng số vốn huy động được của quỹ đầu tư khởi nghiệp của tư nhân trong và ngoài nước. Đồng thời, luật cũng quy định Nhà nước xem xét thoái vốn góp tại các quỹ đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sau 5 năm kể từ thời điểm góp vốn.
Với quỹ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương, tuỳ theo điều kiện ngân sách của địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thành lập và quản lý quỹ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm thực hiện chức năng đầu tư, tài trợ cho các DN, tổ chức và cá nhân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Chính phủ các nước thường tạo điều kiện để khuyến khích hoạt động đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp, khuyến khích các hình thức gọi vốn từ số đông cộng đồng, hoặc Chính phủ đầu tư vốn ban đầu, hoặc cho vay tín chấp vào các DN khởi nghiệp đã được đầu tư từ khu vực tư nhân nhằm giảm thiểu rủi ro cho đầu tư khởi nghiệp.
Các hoạt động này ở nhiều nước trên thế giới diễn ra tương đối sôi động, tạo tiền đề cho rất nhiều DN khởi nghiệp thành công như Facebook, Uber, AirBnB…
Theo Cục Phát triển DN, hiện nay nhiều DN Việt Nam đã làm chủ được công nghệ và sản xuất thành công những sản phẩm đổi mới sáng tạo có giá trị kinh tế lớn. Tuy nhiên việc gọi vốn để đầu tư phát triển sản phẩm là vô cùng khó khăn do số lượng các quỹ đầu tư trong và ngoài nước cho khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam rất ít.
Các quỹ ngoại như CyberAgent, 500 Startups, Golden Gate Ventures… hiện chỉ mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Một số quỹ đầu tư của các NH, công ty lớn có hoạt động đầu tư cho DN, song số này hầu hết không đầu tư từ giai đoạn đầu và không đầu tư nhỏ mà chỉ rót vốn vào những dự án có quy mô vài trăm ngàn USD trở lên.
Do không thể tìm được nguồn vốn trong nước, nhiều nhà khởi nghiệp trẻ phải ra nước ngoài “gõ cửa” từng quỹ. Thậm chí một số DN khởi nghiệp Việt Nam đã thành lập công ty ở nước ngoài như Hong Kong hoặc Singapore để có thể gọi vốn thuận lợi hơn. Tuy nhiên trung bình mỗi năm cũng chỉ có khoảng 10 DN khởi nghiệp Việt Nam nhận được đầu tư từ những quỹ đầu tư ở nước ngoài.
Do đó, việc huy động vốn vào khởi nghiệp sáng tạo không chỉ chắp cánh cho hoạt động kinh doanh mà còn giúp nguồn vốn trong nước được rót vào kênh đầu tư hiệu quả.