Liệu đôla Mỹ có duy trì được đà tăng trong năm tới?
Ảnh minh họa |
Trong năm qua, Đồng đôla Mỹ đã nhận được sự hỗ trợ của khá nhiều yếu tố, như kỳ vọng Fed tăng lãi suất, rủi ro của kinh tế thế giới… Bên cạnh đó, không thể không nói tới sự phục hồi tích cực của kinh tế Mỹ so với hầu hết các nước công nghiệp khác.
Nhìn vào một màn hình giao dịch có thể thấy, một biển màu xanh lá cây của đồng đôla Mỹ so với các đồng tiền trên thế giới trải dài suốt từ đầu năm đến nay. Theo đó, đồng bạc xanh đã tăng mạnh so với các đồng tiền châu Mỹ Latinh như tăng gần 50% so với đồng real của Brazil và tăng 16% so với đồng peso Mexico.
Sự sụt giảm mạnh của giá hàng hóa cơ bản, đặc biệt là dầu mỏ trong năm 2015 cũng làm tổn thương nền kinh tế của các quốc gia xuất khẩu các mặt hàng này và đồng tiền của họ. Đồng bạc xanh đã đánh bại đồng tiền hàng hóa bao gồm cả đồng đôla Canada, đôla Úc và đôla New Zealand. Đồng USD cũng đã có sự tăng so với các đồng tiền châu Á và Đông Âu. Trong đấu trường G-3, đồng USD cũng tăng hơn 10% so với đồng euro, song chỉ tăng khiêm tốn 1% so với đồng yen Nhật.
Thế nhưng điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Liệu xu hướng tăng giá của đồng USD có tiếp tục được duy trì trong năm tới? Hầu hết các nhà phân tích vẫn tin rằng đồng đôla Mỹ sẽ tiếp tục xu hướng tăng, nhưng tốc độ có thể chậm lại, thậm chí có những đợt điều chỉnh. Trong khi đó cũng có luồng ý kiến cho rằng, xu hướng tăng giá của đồng bạc xanh đã kết thúc.
Hãy cũng phân tích. Chênh lệch lãi suất ngày càng nới rộng dự kiến sẽ tiếp tục là một yếu tố hỗ trợ tích cực cho đồng đôla Mỹ trong năm 2016. Theo Henry To - Giám đốc đầu tư của CB Capital Partners, sự bất đồng trong chính sách tiền tệ giữa các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ là động lực cơ bản lớn nhất của đồng đôla Mỹ vào năm tới.
Lấy ví dụ từ quyết định tăng lãi suất mới đây của Fed, ông kỳ vọng đồng đôla Mỹ sẽ có diễn biến tương tự khi dự kiến Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất 4 lần trong năm 2016, nới rộng sự khác biệt với nhiều nền kinh tế lớn khác.
"Cả Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đều sẽ bị buộc phải thực hiện chính sách nới lỏng định lượng bổ sung", ông nói. "Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh, dự kiến sẽ là ngân hàng trung ương đầu tiên tăng lãi suất sau Fed, song nếu có tăng cũng chỉ một lần duy nhất vào năm 2016, bởi lạm phát trong nước vẫn rất yếu. Còn Ngân hàng Trung ương Canada có khả năng sẽ giữ ổn định lãi suất trong năm tới do nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu năng lượng. "
Một yếu tố nữa cũng có thể hỗ trợ cho đồng đôla Mỹ trong năm 2016 là “sức khỏe” của các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là trong khu vực Latin. "Hồi đầu tháng 9 vừa qua, S&P đã hạ xếp hạng tín nhiệm nợ công của Brazil xuống mức rác và không có lý do gì để Moody hay Fitch sẽ không theo có hành động tương tự ngay trong quý đầu tiên của năm 2016", ông nói.
Đồng đôla Mỹ vốn được xem là một tài sản an toàn sẽ được hưởng lợi lớn nếu xảy ra cuộc khủng hoảng tại thị trường mới nổi.
"Nhìn trên các gốc độ: Tỷ lệ nợ trên GDP, độ sâu của suy thoái kinh tế của đất nước, và các cáo buộc tham nhũng gần đây đều cho thấy hiện tình hình của Brazil còn tồi tệ hơn so với năm 1998 và khi hợp nhất vấn đề của của Brazil, Nga, và cuộc khủng hoảng nhiên liệu sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực cho đồng đôla Mỹ khi các nhà đầu tư bán ra tài sản của các thị trường mới nổi và quay ngược dòng vốn trở về Mỹ. Tôi thấy điều này sẽ xảy ra một lần nữa trong năm tới, đặc biệt khi trong 5 năm qua có khá nhiều nhà đầu tư Mỹ đầu tư vào tài sản thị trường mới nổi", ông cảnh báo.
Mặc dù nhận được khá nhiều yếu tố hỗ trợ, song một số chuyên gia cho rằng, đồng bạc xanh có thể có xu hướng điều chỉnh, củng cố trong năm tới.
"Về cơ bản, chúng tôi vẫn kỳ vọng đồng USD sẽ tiếp tục mạnh lên, nhưng vẫn có một số khả năng điều chỉnh", Eric Viloria - Chiến lược gia tiền tệ của Wells Fargo Securities nói. "Xu hướng của đồng USD là không đồng đều, nó có thể ổn định hoặc thậm chí yếu hơn vào đầu năm nay", Viloria nói.
Trong khi đó, Colin Cieszynski - Giám đốc chiến lược thị trường của CMC Markets, sau khi phân tích chỉ số đồng USD cho rằng, xu hướng của đồng bạc xanh có thể đảo chiều. "Tôi nghĩ rằng đồng USD đang đạt gần đỉnh 100.00 và xu hướng tăng có thể đảo chiều thành đi xuống trong năm 2016. Theo ý kiến của tôi, việc đồng USD đã tăng 20% trong năm qua là mạnh hơn nhiều so với tác động của việc tăng lãi suất, kể cả trường hợp các ngân hàng trung ương khác vẫn duy trì quan điểm chính sách như năm 2015", ông nói.
Một yếu tố khác có thể ảnh hưởng tới sức mạnh của đồng đôla Mỹ trong năm 2016 là giá của các hàng hóa cơ bản, đặc biệt là dầu thô. "Đồng đôla Mỹ đã đặc biệt tốt trong năm 2015 so với các đồng tiền của các quốc giá xuất khẩu hàng hóa cơ bản như đồng đôla Canada, đồng Krone NaUy, đồng đôla Úc và đôla New Zealand”, Cieszynski lưu ý. "Xu hướng của đồng đôla trong năm nay sẽ phụ thuộc vào diễn biến giá hàng hóa. Tôi nghĩ rằng giá kim loại và nông sản có thể phục hồi trở lại và điều đó sẽ hỗ trợ cho đôla Úc và đôla New Zealand, nhưng giá năng lượng vẫn yếu do đó đồng đôla Canada và Krone Na Uy vẫn có thể giảm", ông nói.
Liên quan đến tác động của đồng USD đối với giá vàng trong năm 2016, Cieszynski cho rằng, giá vàng có thể phục hồi trở lại trong năm 2016 khi đồng đôla Mỹ suy yếu.