Linh hoạt và thận trọng
Chính sách tỷ giá: Tự tin với những bước đi táo bạo | |
Điều hành chính sách tiền tệ: Kiên định với các mục tiêu | |
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt |
Nỗ lực không mệt mỏi
Tính đến cuối tháng 4/2017, tín dụng tăng 5,76% so với cuối năm 2016, cao hơn so với cùng kỳ các năm trước - con số này được Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng chia sẻ mới đây tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2017. Tăng trưởng tín dụng luôn đi cùng với kiểm soát lạm phát. Mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ cũng là một trong những mối quan tâm của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ (CSTT).
Tín dụng tăng tích cực ngay từ những tháng đầu năm phản ánh cầu trong nước tăng, khả năng hấp thụ vốn của DN khá tốt. NHNN cho biết, dòng vốn chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là nông nghiệp nông thôn với tỷ trọng khoảng 80%. Song mặt khác, nếu tín dụng tăng trưởng cao, cung tiền cho nền kinh tế tăng theo sẽ gây áp lực lên lạm phát.
Kiểm soát lạm phát - mục tiêu lớn trong điều hành CSTT của NHNN |
Trao đổi với một chuyên gia kinh tế, vị này cho rằng, soi vào kết quả điều hành CSTT của NHNN 4 tháng qua, công bằng mà nói NHNN đã thực thi các giải pháp chủ động và phối hợp chặt chẽ với chính sách vĩ mô khác, đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức một con số, ổn định lãi suất và tỷ giá, củng cố lòng tin vào VND... tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức cao nhất từ trước tới nay. Qua đó góp phần tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho DN phục hồi trong giai đoạn khó khăn và yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
TS. LS Bùi Quang Tín (ĐH NH TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, nhìn nhận về CSTT, phải nói tới cả 5 công cụ điều hành. Theo đó, công cụ quan trọng đầu tiên là lãi suất. Với lãi suất thị trường, theo chỉ đạo của Chính phủ, cũng như chính sách của NHNN, lãi suất cho vay (LSCV) trong năm 2017 dự kiến giảm từ 0,5-1,5%. Quý I/2017, LSCV cũng không có nhiều khác biệt so với năm 2016. Hiện LSCV các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ở mức 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3 - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4 - 5%/năm. Cho vay với các lĩnh vực ưu tiên trong ngắn hạn ở mức 6-7%/năm...
NHNN cũng đã thông tin, mặt bằng lãi suất huy động (LSHĐ) và LSCV diễn biến ổn định từ năm 2016 đến nay. Đặc biệt từ cuối tháng 9/2016, một số TCTD đã giảm 0,3-0,5%/năm LSHĐ, giảm 0,5-1%/năm LSCV đối với sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Như vậy, mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm mạnh, chỉ bằng 40% lãi suất cuối năm 2011, phù hợp với mục tiêu điều hành, diễn biến tiền tệ và lạm phát. Đồng thời đảm bảo hài hoà lợi ích của người gửi tiền, TCTD và khách hàng vay. So sánh với mặt bằng lãi suất của các nước trong khu vực, như Indonesia có LSCV mức 11,9%, Myanmar là 13%/năm, Thái Lan 6,3%/năm... thì mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND của Việt Nam hiện nay vẫn ở mức tương đối hợp lý với tương quan kinh tế vĩ mô.
Với lãi suất tái chiết khấu hay lãi suất trên thị trường mở, TS. Bùi Quang Tín đánh giá tương đối ổn định. Lãi suất liên NH hiện đang giữ khoảng trung bình 5% với một số kỳ hạn chủ chốt - được xem là lãi suất tương đối phù hợp. “Tỷ giá của 4 tháng đầu năm 2017 cũng được NHNN điều hành ổn định, đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ xuất khẩu tăng trưởng tốt… Song tôi cho rằng dự kiến trong 8 tháng còn lại, tỷ giá có thể tăng từ 1-1,5%”, chuyên gia này chia sẻ.
Với kênh thị trường mở - kênh hỗ trợ vốn ngắn hạn cho các NH cũng được các chuyên gia kinh tế đánh giá là nhà điều hành đã linh hoạt trong việc bơm - hút vốn để tạo thanh khoản dồi dào trên thị trường. Tín dụng tăng cao ngay từ những tháng đầu năm và đang ở mức 5,76% - theo ông Tín là một dấu hiệu tốt, chứ không có gì quá đáng ngại. Bởi hiện nay, tăng trưởng GDP có quan hệ chặt chẽ với tăng trưởng tín dụng. Thúc đẩy GDP tăng trưởng, tất yếu là phải tăng tín dụng để tăng cung vốn cho nền kinh tế.
Cân bằng mục tiêu, hoá giải thách thức
Năm 2017, tăng trưởng GDP đề ra là 6,7%. Với mục tiêu tăng trưởng cao như vậy, tất yếu đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, đặc biệt là vốn trung - dài hạn. Cộng thêm những tác động từ thị trường tài chính thế giới, giá cả một số mặt hàng thiết yếu sẽ tiếp tục tăng... là những áp lực lớn cho điều hành CSTT của NHNN trong những tháng còn lại của năm. Thêm nữa, GDP quý I/2017 chỉ ước đạt 5,1% - thấp hơn mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2015 và 2016. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, 3 quý còn lại của năm, GDP phải đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7,1%. Đây là thách thức không nhỏ.
Vừa hỗ trợ tăng trưởng, đồng thời phải kiểm soát lạm phát, giữ mặt bằng lãi suất, tỷ giá ổn định... là những mục tiêu song hành, cũng là trách nhiệm điều hành CSTT của NHNN trước Chính phủ. Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng đây là thách thức khá lớn đối với nhà điều hành khi phải đối diện với những mục tiêu có phần đối nghịch nhau.
Còn nhớ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành NH đầu năm, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã nhấn mạnh: Để thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong bối cảnh diễn biến kinh tế thế giới và trong nước chưa thuận lợi, nhiệm vụ của ngành NH trong năm 2017 có thể nói là hết sức nặng nề. Bản thân hệ thống NH phải xác định trách nhiệm của mình trong thực hiện chương trình, chỉ đạo của Chính phủ cũng như NHNN.
Thách thức là hiện hữu, song theo các chuyên gia, CSTT không gì khác phải được điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng, sát thị trường hơn; phối hợp chính sách tài khóa hiệu quả hơn để vừa hỗ trợ tăng trưởng cao hơn, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát... Bên cạnh đó, tư duy quản lý điều hành của NHNN phải thay đổi căn bản theo hướng tăng tính thị trường, giảm tính mệnh lệnh hành chính, nhất quán, công khai, dễ dự báo, để người dân và DN chủ động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh và đời sống.
“Trong bối cảnh kinh tế thế giới đã, đang và sẽ còn nhiều biến động khó lường, việc tăng cường tính chủ động trong dự báo để có các phương án, giải pháp trong điều hành CSTT, không để bị động là yêu cầu đặt ra đối với NHNN”, một chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.
CSTT không gì khác phải được điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng, sát thị trường hơn; phối hợp chính sách tài khóa hiệu quả hơn để vừa hỗ trợ tăng trưởng cao hơn, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát... |