Logistics tạo đà cho xuất khẩu
Nhập siêu khá lớn trong nửa đầu tháng 2 | |
Thu hút nhà đầu tư vào logistics |
Logistics thương mại bao gồm nhiều dịch vụ và quy trình vận tải giữa các các quốc gia: thủ tục hải quan, hành chính, tổ chức, vận tải biển quốc tế, theo dõi và tìm kiếm hàng hoá, chất lượng vận tải và cơ sở hạ tầng vận tải và thông tin.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, báo cáo Chỉ số hiệu quả hoạt động logistics của WB qua các năm cho thấy, Việt Nam xếp hạng khá cao trong nhóm 10 nước thu nhập trung bình thấp, cao hơn kỳ vọng nếu so sánh với mức thu nhập bình quân đầu người. Song, mức xếp hạng chung của Việt Nam chưa được cải thiện từ năm 2007 đến nay.
Điểm số tuyệt đối về hải quan và năng lực logistics đã giảm trong những năm qua, trong khi điểm số về giao hàng kịp thời và truy xuất hàng hoá đã cho thấy tiến bộ vượt bậc. Về mặt xếp hạng, hải quan và năng lực logistics cũng tụt hạng nhiều nhất trong khi chỉ số về giao hàng kịp thời và vận chuyển quốc tế có cải thiện đáng kể nhất.
Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới hàng năm cho thấy, Việt Nam bị xếp dưới hầu hết các nước trong vùng về các hình thức vận tải, trong đó kém nhất về chất lượng đường bộ và đứng thứ hai từ dưới lên về chất lượng cảng biển.
Dẫn tới, phần lớn thị trường logistics Việt Nam đang nằm trong tay các hãng logistics nước ngoài như ALP logistics, Maersk logistics, NYK, OOCL... Các DN này không chỉ cung cấp đủ loại dịch vụ mà còn có mạng lưới quốc tế rộng, tài chính mạnh và hệ thống công nghệ thông tin hiện đại.
Đại diện DN xuất nhập khẩu cho biết, năng lực của ngành logictics Việt còn quá yếu nên nhiều khi DN có nguồn hàng lớn nhưng DN logictics Việt lại không đủ phương tiện, kho bãi. Vì vậy, DN buộc phải “làm ăn” với DN nước ngoài.
Ngoài ra, nhìn từ khía cạnh năng lực cạnh tranh thương mại thì xuất khẩu Việt Nam đang bị hạn chế nghiêm trọng bởi hạ tầng và dịch vụ giao thông yếu kém.
Các hành lang kết nối trung tâm tăng trưởng với cổng giao dịch quốc tế yếu, chi phí vận tải cao, chất lượng dịch vụ vận tải và logistics kém là những yếu tố cản trở chính. Các phương thức vận tải hiện có, ngoài việc bị quá tải ở các trọng điểm kinh tế lớn, còn không thể liên kết có hiệu quả với các cửa ngõ quốc tế, vị đại diện DN trên cho biết thêm.
Trong khi, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ yếu tố cơ sở hạ tầng. Các sản phẩm dầu và than cũng như các mặt hàng lỏng và khô đòi hỏi cơ sở bến cảng riêng. Xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, bao gồm cả gạo, đang chuyển dần sang container. Vì vậy, rất cần có cơ sở cảng container hiệu quả hơn.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ, mặc dù nước ta có đường bờ biển rất dài nhưng hiện chưa sử dụng hiệu quả phương tiện đường biển và phải dùng đường bộ. Đây chính là nguyên nhân khiến chi phí logistics của chúng ta chiếm tỷ lệ cao trong GDP.
TS. Đinh Lê Hải Hà, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, cơ sở hạ tầng và liên kết yếu kém các hình thức vận tải được cho là một nguyên nhân dẫn đến quy mô và tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam. Mặc dù thời gian qua, Việt Nam đã tăng mạnh đầu tư công vào cơ sở hạ tầng, tuy vậy, tăng cường cơ sở hạ tầng liên quan đến thương mại đã không theo kịp xuất khẩu.
Cải thiện chất lượng logistics thương mại sẽ cải thiện được tình hình xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu, vì cứ một ngày hàng hoá phải chờ xuất khẩu, nhập khẩu thì thương mại sẽ giảm 4%. Trong khi những hạn chế trong logistics thương mại như hiện nay có thể trở thành một cản trở trong chiến lược tăng trưởng nhờ lợi thế cạnh tranh thương mại của Việt Nam.
Vì vậy, thời gian tới, cần thiết phải nâng cao hiệu quả đầu tư vào cơ sở hạ tầng logistics và tăng cường liên kết giữa các hình thức vận tải khác nhau để hỗ trợ thương mại một cách hiệu quả. Chú ý đến các trọng điểm phát triển, cửa ngõ và hành lang giao dịch quốc tế và sự phối hợp các hoạt động giữa các đầu mối này, TS. Hà cho biết thêm..
Nhận thấy vai trò to lớn của ngành logistics đối với hoạt động xuất nhập khẩu, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics, mục tiêu đến năm 2025 tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8 -10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15-20%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP.