Logistics và bài toán thương mại điện tử
Vẫn phải chờ các trung tâm logistics | |
Lần đầu tiên triển lãm hạ tầng cảng biển và logistics | |
Vận tải thủy nội địa: Lời giải giảm chi phí logistics |
Thương mại điện tử là một phần không thể thiếu trong sự phát triển của thị trường logistics. Bộ Công thương cũng đang kỳ vọng năm 2020, thương mại điện tử sẽ cán mốc 10 tỷ USD, chiếm 5% doanh thu bán lẻ. Lượng hàng hóa giao dịch qua các kênh trực tuyến tăng nhanh khiến nhu cầu dịch vụ logistics cho thương mại điện tử tăng cao và trên thực tế đang vượt quá khả năng đáp ứng. Nắm bắt xu thế này, nhiều DN logistics đang nỗ lực đầu tư, trang bị những lợi thế cho riêng mình. Có thể phân chia sản phẩm mua bán trực tuyến thành hai nhóm.
Nhóm thứ nhất là các sản phẩm vô hình có thể số hóa được, chẳng hạn như nhạc, phần mềm máy tính, trò chơi trực tuyến… Nhóm thứ hai là các sản phẩm hữu hình, có trọng lượng và thể tích, không thể số hóa được, chẳng hạn như ô tô, tủ lạnh, quần áo, máy tính… Dịch vụ logistics và chuyển phát là một mắt xích then chốt khi mua bán trực tuyến các sản phẩm hữu hình. Thực tế, đối với nhóm các sản phẩm hữu hình thì dịch vụ logistic của Việt Nam đang có giá thành khá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nên việc áp dụng thương mại điện tử là tất yếu, đồng thời có thể giảm bớt chi phí và thời gian.
Sự phát triển mạnh mẽ của Internet ở Việt Nam những năm gần đây đã tạo đà cho sự phát triển nhanh chóng của mua bán trực tuyến sản phẩm số hóa. Tuy nhiên, với hàng hóa là các sản phẩm hữu hình, dù cho các khâu tìm kiếm sản phẩm, giao kết hợp đồng, thanh toán… có thể thực hiện trên môi trường trực tuyến nhưng công đoạn giao hàng từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng cuối cùng lại gắn chặt với dịch vụ logistics và chuyển phát.
Tỷ lệ chi phí dành cho dịch vụ logistics và chuyển phát là khá cao trong giá bán các sản phẩm hữu hình là một trong các yếu tố dẫn tới giá mua hàng trực tuyến chưa thấp hơn đáng kể so với mua theo phương thức truyền thống. Đồng thời, chất lượng của dịch vụ chuyển phát chưa cao. Bên cạnh đó, nhiều DN thương mại điện tử phải tự triển khai dịch vụ giao hàng. Mặt khác, người tiêu dùng còn e ngại về thời gian giao hàng chưa đúng cam kết, khó truy tìm định vị hay trả lại hàng đã mua. Dịch vụ vận chuyển và giao nhận hàng còn yếu. Đây cũng là những nguyên nhân dẫn tới việc mua hàng trực tuyến chưa thực sự hấp dẫn người tiêu dùng.
Để giải bài toán khó này, các DN chuyển phát cần chú trọng tới việc hiện đại hóa quản lý, trang thiết bị, đặc biệt phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường liên kết với các DN cùng lĩnh vực cũng như với các DN logistics. Đồng thời các DN chuyển phát cũng cần chủ động bắt tay với các DN thương mại điện tử, xác định thị phần thương mại điện tử sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong hoạt động của DN.
Ở góc độ quản lý, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiến hành các hoạt động điều tra, khảo sát tiến tới có thống kê tin cậy về dịch vụ logistics và chuyển phát. Bên cạnh các văn bản quy phạm pháp luật quy định về các điều kiện kinh doanh hai loại dịch vụ này cần có các dự báo về thị trường, các chính sách, biện pháp khuyến khích.
Logistics Việt Nam có nhiều dư địa tăng trưởng, nhưng các DN cần phải đầu tư mạnh hơn vào công nghệ, tận dụng đòn bẩy phát triển thương mại điện tử để tăng tốc và phát triển bền vững.