Logistics Việt Nam "làm thuê" trên sân nhà?
Ảnh minh họa |
Với những lợi thế sẵn có trên sân nhà từ chính sách đến cảng biển, hậu cần... đáng ra các DN hoạt động trong lĩnh vực logictics của Việt Nam phải chiếm ưu thế. Song thực tế hiện nay lại khác hẳn, điều này là do đâu?
Hiện nay, tại Việt Nam có hơn 1.200 DN trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ logistics, tập trung chủ yếu tại khu vực TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Trong số đó, khoảng 900 DN là các đại lý vận tải nội địa với quy mô vừa và nhỏ (chiếm hơn 70%). Còn lại khoảng gần 30% là các DN logistics đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam (số liệu từ ITPC - Bộ Công Thương ).
Điều đáng nói, mặc dù số lượng ít nhưng những DN này lại nắm giữ đến gần 80% thị phần của ngành. Các DN cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam chủ yếu chỉ làm đại lý, hoặc đảm nhận từng công đoạn như nhà thầu phụ trong dây chuyền logistics cho các nhà cung cấp dịch vụ logistics quốc tế.
Xét ở góc độ khác, thị trường logistics Việt Nam được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng với tốc độ phát triển đạt 16 - 20%/năm. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics còn thấp do chi phí vận chuyển rất cao, trung bình chi phí này chiếm tỉ lệ 20 - 25% so với GDP của Việt Nam. Trong khi của Trung Quốc là 17,8% và một số quốc gia khác trong khu vực như Singapore chỉ chiếm khoảng 9%...
Ngoài ra, một vấn đề khiến cho thị trường logistics của Việt Nam còn nhiều hạn chế, "phân mảnh" là do 92% (tương đương 700.000 xe tải đăng ký kinh doanh) thuộc về các chủ xe cá nhân. Và đại đa số các công ty vận tải đều có quy mô nhỏ với trung bình chỉ trên dưới 10 xe tải hoạt động.
Điều này không chỉ khiến cách thức tổ chức hoạt động manh mún, nhỏ lẻ mà hiệu quả thu về cũng thấp, với hơn 70% các lượt xe không có hàng chở trong chuyến đi về và 30% thời gian sử dụng xe bị hao hụt do phân bổ không hợp lý và chờ đợi chất xếp hàng hóa. Điều này là vòng tròn luận quẩn khiến DN logistics của Việt Nam mãi không lớn lên được.
Những thách thức cụ thể hiện nay đối với các DN logictics Việt Nam là gì?
Mới đây, khảo sát của Vietnam Supply Chain với 100 đại diện bộ phận logistics từ các DN hoạt động tại Việt Nam đã cho thấy thực trạng về ngành logistics đang có rất nhiều điều đáng phải bàn. Cụ thể, phần lớn các DN đều có chi phí logistics/doanh thu chiếm từ 5% - 10% khi hoạt động tại Việt Nam.
Đặc biệt là vấn đề chi phí leo thang (40%), kỳ vọng về chất lượng dịch vụ (38%) và môi trường cạnh tranh gay gắt (35%) là những thách thức nổi bật nhất của các DN. Ngoài ra một số DN còn gặp thách thức về vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, hệ thống quản lý CNTT và năng lực của nhân sự…
Vậy để đối phó với những vấn đề trên và nâng cao năng lực bản thân các DN logictics của Việt Nam cần làm gì, thưa ông?
Tìm hiểu thực tế tại các DN đang hoạt động trong nước, phần lớn những DN này đều chọn một số giải pháp mang tính "cổ điển" như đầu tư nâng cao năng lực của đội ngũ nhân sự, tự triển khai những dự án cải thiện hoạt động logistics và chuỗi cung ứng hoặc tìm kiếm đối tác tư vấn và phối hợp để đưa ra các giải pháp nhằm mở rộng thị trường và khách hàng mới...
Tuy nhiên, trong 5 năm qua, sự phát triển của kênh bán hàng, dịch vụ mới đòi hỏi hoạt động logistics phải có khả năng thích ứng như giao hàng nhỏ lẻ, thường xuyên, đúng hẹn hay cho phép loại bỏ tồn kho, cũng như không để xảy ra trường hợp mất doanh số cho hết hàng....
Vì vậy, ngoài việc tối ưu hóa năng lực giao nhận, việc đầu tư trang thiết bị, kho bãi, phương tiện vận chuyển bằng nhiều hình thức, trong đó có việc phát triển quy trình cho kho bãi dành riêng cho cả những khách hàng mang tính đặc thù nhất cần được quan tâm thực hiện tại các logistics trong nước.
Trong quá trình hội nhập, việc các tập đoàn, công ty giao nhận quốc tế hiện diện và chiếm lĩnh thị phần, đòi hỏi các DN trong nước không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh. Vậy các DN logictics nên đi theo hướng nào?
Trong bối cảnh các kênh phân phối hiện đại đang phát triển mạnh tại Việt Nam cũng như đặc thù địa lý của đất nước, các DN trong các ngành sản xuất, bán lẻ và logistics đều có chung một câu hỏi, đó là làm thế nào để xây dựng mô hình mạng lưới logistics cho tương lai hiệu quả cao, sát với thực tế nhất có thể nhằm giảm thiểu rủi ro trong đầu tư và phát triển.
Việc học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm của những người đi trước được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu. Cụ thể, các DN có thể áp dụng nhiều mô hình hiện đại để nâng cao năng lực cạnh tranh như mô hình chi nhánh, kho phụ hoặc đại lý thứ cấp của chính DN mình để hỗ trợ tập kết hàng nhanh chóng, giảm thiểu chi phí phát sinh cho khách hàng.
Hoặc để thu hút, lấy được nhiều đơn hàng hơn cho DN mình từ tay các đối thủ cạnh tranh khác, yếu tố quan trọng là DN logistics cần có phương án triển khai hệ thống quản lý, phân phối, vận chuyển hiện đại, đồng bộ từ xử lý đơn hàng, công nợ, xuất hàng tồn kho cho đến những chương trình ưu đãi, khuyến mãi cho khách hàng khi sử dụng nhiều dịch vụ, sản phẩm... Có như vậy, các DN trong nước mới dần lấy lại vị thế trên sân nhà.
Xin cảm ơn ông!