Lợi nhuận của các ngân hàng Nhật sụt giảm không chỉ vì chính sách lãi suất âm
NHTW Nhật (BOJ) đang đối mặt với nhiều lời than phiên từ các ngân hàng |
Atsushi Miyanoya - Giám đốc điều hành BOJ cho biết, nhiều ngân hàng trong khu vực có thể bị lỗ trong dài hạn vì áp lực cạnh tranh khốc liệt buộc họ phải cắt giảm lãi suất cho vay để thu hút người vay trong một thị trường trong nước đang thu hẹp.
“Chính sách tiền tệ của BOJ, bao gồm cả lãi suất âm, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đáng kể tới lợi nhuận của ngân hàng”, Miyanoya - người phụ trách một bộ phận phụ trách giám sát hệ thống ngân hàng Nhật Bản nói.
“Ngay cả khi chính sách tiền tệ cuối cùng được bình thường hóa, các ngân hàng cũng không nên mong đợi lợi nhuận trở lại mức trước khi chính sách cực kỳ dễ dãi được triển khai”, ông nói với Reuters ngày 22/12.
Sau 3 năm mạnh tay mua vào tài sản mà vẫn thất bại trong việc thúc đẩy lạm phát, BOJ năm ngoái đã chuyển hướng chính sách sang kiểm soát đường cong lợi suất với việc áp lãi suất -0,1% đối với một phần tiền gửi dự trữ của các tổ chức tài chính tại BOJ và cam kết duy trì lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm khoảng 0%.
Tuy nhiên Miyanoya cho rằng chính sách của BOJ đã không làm tổn thương quá mức đến lợi nhuận ngân hàng, phản đối những lời chỉ trích từ khu vực tài chính rằng chi phí kích thích tiền tệ đã vượt quá lợi ích mà nó mang lại.
Mặc dù vậy, ông vẫn cảnh báo rằng, các ngân hàng có thể thấy lợi nhuận giảm hơn nữa nếu chính sách tiền tệ vẫn còn cực kỳ lỏng và kêu gọi các ngân hàng khu vực tìm kiếm các nguồn doanh thu mới thay vì cạnh tranh gay gắt với nhau bằng cách cắt giảm lãi suất cho vay.
“Trong trung và dài hạn, có một rủi ro là rất nhiều tổ chức tài chính có thể đồng thời ghi nhận lỗ ròng. Chúng tôi không thể phủ nhận rủi ro là trung gian tài chính rủi ro có thể không hoạt động tốt cùng một lúc”, Miyanoya nói.
“Với nền kinh tế đang hoạt động tốt và các ngân hàng có đủ vốn, bây giờ là thời điểm để hành động”, ông nói. “Sáp nhập và hợp nhất là một trong những lựa chọn để nâng cao khả năng sinh lời và hiệu quả”.
Không chỉ ở Nhật mà tại nhiều nền kinh tế phát triển khác, những năm kích thích tiền tệ khổng lồ thời kỳ hậu khủng hoảng đã thu hẹp đáng kể biên lợi nhuận của các ngân hàng. Tuy nhiên, vấn đề ở Nhật Bản đang trở nên trầm trọng, nơi có hơn 100 ngân hàng khu vực cạnh tranh trong một thị trường quá tải đang và đang bị thu hẹp do vấn đề dân số già hóa.
Cơ quan giám sát ngành công nghiệp tài chính Nhật cho biết hồi tháng 10, hơn một nửa ngân hàng trong khu vực Nhật Bản đã mất tiền trong hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2017.
Tình hình khó khăn của các ngân hàng khu vực đã gây sức ép lên BOJ để tập trung vào những khiếm khuyến trong chính sách của mình, mặc dù Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda cho biết ông không thấy cần phải quay lưng lại với chính sách kích cầu.
Thậm chí, theo như lời của Miyanoya, ngay cả khi BOJ rút lại các chính sách kích thích, các ngân hàng có thể sẽ không nhận thấy tỷ suất lợi nhuận tăng mạnh do mức độ cạnh tranh gay gắt hiện nay.
“Chính sách tiền tệ của chúng tôi đang tạo áp lực giảm lợi nhuận của các ngân hàng, nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện”, Miyanoya nói. “Chính sách tiền tệ sẽ được bình thường hóa ở một số điểm. Nhưng các yếu tố cấu trúc sẽ không thay đổi. Dân số Nhật Bản sẽ tiếp tục giảm và số lượng các công ty sẽ tiếp tục giảm”.