Luật Chứng khoán (sửa đổi): Cần quy định phù hợp để ngân hàng phát huy lợi thế
Chào bán chứng khoán của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo: Tạo điều kiện nhưng phải thận trọng | |
Đề nghị nâng lên tối thiểu 30 tỷ đồng là phù hợp |
Ảnh minh họa |
Liên quan đến tác động của dự án luật đối với các TCTD, Dự thảo luật quy định: “Trường hợp có quy định khác nhau giữa luật này và các luật khác về hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán, công bố thông tin; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán; tổ chức, hoạt động của thị trường chứng khoán; quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán thì áp dụng theo quy định của luật này”.
Tuy nhiên, NHNN Việt Nam đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc lại quy định này bởi Điều 103 Luật Các TCTD quy định: “NHTM phải thành lập hoặc mua lại công ty con, công ty liên kết để thực hiện hoạt động kinh doanh sau đây: a) Bảo lãnh phát hành chứng khoán, môi giới chứng khoán; quản lý, phân phối chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và mua, bán cổ phiếu;...”. Theo quy định này, NHTM không được tự mình thực hiện mua, bán cổ phiếu. Điều 123 Luật Các TCTD quy định chi nhánh ngân hàng nước ngoài (CNNHNNg) không được mua, bán cổ phiếu.
Cũng theo quy định của Luật Các TCTD, các TCTD bị hạn chế hoạt động kinh doanh đầu tư chứng khoán; mặt khác, đối với các TCTD được kiểm soát đặc biệt, Luật Các TCTD có những quy định đặc thù nhằm đảm bảo an ninh tiền tệ. Bên cạnh đó, Khoản 18 Điều 4 Dự thảo luật quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bao gồm NHTM, CNNHNNg; khoản 16 Dự thảo luật quy định: “Đầu tư chứng khoán là việc mua, bán, nắm giữ chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán”.
Theo các quy định này thì NHTM, CNNHNNg được mua, bán cổ phiếu là không phù hợp với Luật Các TCTD. Ngoài ra, nhằm ngăn ngừa rủi ro, NHTM, CNNHNNg không được đầu tư cổ phiếu, phái sinh về cổ phiếu từ hoạt động sử dụng tiền gửi để đầu tư cổ phiếu.
Từ các lý do trên, NHNN đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định ưu tiên áp dụng Luật Các TCTD đối với hoạt động kinh doanh, đầu tư chứng khoán của các TCTD tại khoản 2 Điều 3 Dự thảo luật. Cụ thể, bổ sung vào sau khoản 2 Điều 3 Dự thảo luật nội dung: “trừ hoạt động kinh doanh, đầu tư chứng khoán của các TCTD thực hiện theo quy định của Luật Các TCTD”.
Liên quan đến điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng, Dự thảo luật quy định điều kiện “hoạt động kinh doanh của 2 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán”. NHNN cho rằng quy định này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc cơ cấu lại các TCTD cổ phần. Do vậy, đối với trường hợp TCTD cổ phần chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng, đề nghị Dự thảo luật chỉ nên yêu cầu công bố rõ thực trạng tài chính theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán để nhà đầu tư có đầy đủ thông tin.
Về quy định đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán, NHNN đề nghị Ban soạn thảo xem lại quy định này vì NHTM, CNNHNNg không được cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán chứng khoán cho khách hàng. NHTM, CNNHNNg chỉ được tham gia bù trừ cho chính NHTM, CNNHNNg. “Đề nghị quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của NHTM, CNNHNNg là thành viên lưu ký tại Dự thảo luật hoặc giao Chính phủ quy định”, NHNN góp ý.
Về thủ tục phát hành chứng khoán ra công chúng đối với TCTD, Dự thảo Luật Chứng khoán quy định: Tổ chức phát hành, cổ đông của công ty đại chúng trước khi chào bán chứng khoán ra công chúng phải đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng phải kèm theo quyết định của Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty thông qua hồ sơ.
Đối với việc chào bán chứng khoán ra công chúng của TCTD, hồ sơ phải có văn bản chấp thuận của NHNN Việt Nam. Trong thời hạn ba mươi (30) ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét và cấp Giấy chứng nhận chào bán chứng khoán ra công chúng. Trường hợp từ chối, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do…
Riêng với phát hành trái phiếu, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, theo quy định hiện nay, thời hạn để TCTD xin phép NHNN chấp thuận phương án phát hành trái phiếu là trong vòng 30 ngày làm việc và thời gian để xin phép Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng cũng trong vòng 30 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ của TCTD. Tại Khoản 6 Điều 15 Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi tiếp tục quy định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét và cấp Giấy chứng nhận chào bán chứng khoán ra công chúng.
Như vậy, căn cứ các quy định hiện hành và quy định tại Dự thảo Luật Chứng khoán nêu trên thì tổng thời gian để TCTD xin phê duyệt thủ tục phát hành chứng khoán ra công chúng qua 2 cơ quan quản lý nhà nước trong vòng 60 ngày làm việc. Trong khi đó trong bối cảnh hiện nay, việc phát hành trái phiếu phụ thuộc lớn vào điều kiện và nhu cầu thị trường, với thời gian quy định như trên, các TCTD sẽ không thể tận dụng được cơ hội, thời điểm thuận lợi của thị trường để triển khai phát hành.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, để tạo điều kiện cho các TCTD trong việc tận dụng điều kiện thị trường để gia tăng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu, củng cố nguồn vốn ổn định cho TCTD hoạt động, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét giảm thủ tục hành chính xin phép phát hành trái phiếu của TCTD hiện nay, chỉ cần một cấp thẩm quyền chấp thuận, đồng thời rút ngắn thời hạn xem xét hồ sơ đề nghị của các TCTD trong vòng tối đa 10 ngày làm việc…