M&A: Con đường nhanh nhất thâm nhập thị trường
Cổ phiếu ngân hàng và tin đồn M&A | |
Việt Nam vẫn chỉ hấp dẫn nhà đầu tư châu Á |
Theo số liệu Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2016 tổng giá trị M&A tại Việt Nam đạt 5,8 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng 11,92% so với năm 2015. Dự báo năm 2017, giá trị M&A nhiều khả năng cũng sẽ đạt con số này và cần nhiều động lực để tận dụng tối ưu hơn nữa nguồn vốn ngoại.
Ảnh minh họa |
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài chiếm đa số trong danh sách các thương vụ có giá trị, chiếm 77% tổng giá trị M&A trên toàn thị trường. Hai thương vụ lớn nhất trong năm qua phải kể đến là F&N mua cổ phần Vinamilk và SCG mua lại Nhà máy xi măng Holcim Việt Nam, đều có giá trị ở mức 500 triệu USD.
Trong số các thương vụ tiêu dùng M&A tiêu biểu diễn ra thời gian qua tại thị trường Việt Nam, nổi lên vẫn là các nhà đầu tư đến từ các quốc gia như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan và Hàn Quốc.... Các đối tác ngoại tìm đường “nhảy” vào các lĩnh vực thương mại, sản xuất kinh doanh của Việt Nam thông qua mua lại cổ phần, đầu tư hợp tác phát triển dự án.
Nhìn nhận ở một góc độ khác, ông Nguyễn Quang Bảo, Phó tổng giám đốc CTCP chứng khoán Bản Việt cho rằng, nhà đầu tư ngoại chọn con đường M&A để thâm nhập vào thị trường, thâu tóm DN Việt bởi họ nhận thấy Việt Nam là thị trường tiềm năng trong tương lai không xa. Đồng thời, nhà đầu tư nước ngoài muốn nhanh chóng chiếm lĩnh, kiểm soát thị trường, loại bỏ những đối thủ cạnh tranh trước khi kịp lớn mạnh.
Theo phân tích của một số chuyên gia, một điểm đáng chú ý là xu hướng nhiều tập đoàn quốc tế mua lại các khoản đầu tư từ các quỹ đầu tư. Theo đó, các quỹ sau thời gian nắm giữ có thể thoái khoản đầu tư nhằm hiện thực hóa lợi nhuận, còn các công ty nước ngoài có thể mua lại lượng cổ phần lớn, thậm chí chi phối, đóng vai trò lớn, điều hành trong công ty mục tiêu được nhắm đến.
Với xu hướng này, các quỹ đầu tư và các tổ chức trung gian là xúc tác cho các thương vụ diễn ra. Điển hình như thương vụ mua lại của Domesco và Công ty Nhật Bản Taisho mua lại các khoản đầu tư để chiếm 24% cổ phần của Dược Hậu Giang...
Bàn về vấn đề này, ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc AVM, Trưởng nhóm Nghiên cứu MAF nhận định, M&A tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế như DN trong nước chủ yếu là nhỏ (vốn điều lệ của đa số các DN niêm yết ở mức 50 - 80 tỷ đồng, tương đương 2 - 4 triệu USD, vốn hóa khoảng 5 - 10 triệu USD), năng lực hạn chế. Trong khi đó, nhà đầu tư ngoại thường quan tâm đến DN có quy mô lớn nên ít trở thành đối tượng quan tâm.
Bên cạnh đó, các DN Việt luôn muốn nắm giữ cổ phần ở mức chi phối, kể cả các DN nhà nước hay công ty tư nhân; Còn nhà đầu tư nước ngoài cũng muốn như vậy để chủ động trong hoạt động kinh doanh, nên khó đi đến thống nhất. Việc định giá quá cao cũng khiến cho hai bên không tìm được tiếng nói chung trong nhiều trường hợp.
Ngoài ra, vấn đề ảnh hưởng đến việc thu hút dòng vốn ngoại chính là việc báo cáo tài chính và công bố thông tin chưa minh bạch, hình thức kế toán hai sổ tại nhiều DN khiến cho nhà đầu tư nước ngoài e ngại về tính chính xác dẫn đến quyết định đầu tư sai.
“Thị trường Việt Nam cần có thêm những nguồn hàng tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội rót thêm vốn vào thị trường. Đồng thời, các DN trong nước cần minh bạch hơn về thông tin để nhà đầu tư có thể tiếp cận và đưa ra quyết định đầu tư, tạo ra những “cú hích” cho thị trường M&A Việt Nam trong thời gian tới”- ông Minh nhận định.