Cổ phiếu ngân hàng và tin đồn M&A
M&A vẫn tấp nập hay trầm lắng? | |
Tín hiệu tích cực M&A ngân hàng |
Từ lý lẽ…
Khả năng M&A của ngân hàng thực ra cũng là điều đã được dự báo vì trong những giải pháp để tái cơ cấu ngành này, M&A cũng là phương án được tính đến. Đây cũng là cơ hội để tin đồn xuất hiện và cảm giác chung của nhiều người là “nghe cũng có lý”, nhưng trong thực tế, có hay không có tin đồn thì khả năng M&A vẫn có thể diễn ra. Vấn đề cần làm rõ ở đây là vị thế của cổ phiếu ngân hàng hiện nay, có sự tương quan như thế nào với thị trường khiến cho tin đồn xuất hiện và tạo ra những hiệu ứng tâm lý cũng như rủi ro.
Nhìn về dài hạn, có thể giá cổ phiếu vẫn tăng |
Trước nhất, hãy nhìn vào thời điểm tin đồn M&A ngân hàng bỗng nhiên xuất hiện trên thị trường vào đầu ngày 25/7, cũng là thời điểm VN-Index bật tăng trở lại sau 3 ngày liên tục giảm điểm. Từ mức hơn 770 điểm vào ngày 19/7, VN-Index đã có ba phiên giảm đáng kể. Đến ngày 24/7 đã giảm xuống dưới ngưỡng 760 điểm. Phiên ngày 25/7, đã có lúc chỉ số này giảm xuống 757 điểm trước khi cổ phiếu ngân hàng phục hồi trở lại và kéo chỉ số tăng 7,5 điểm đạt 767 điểm.
Nhưng liệu tin đồn có phải nguyên nhân chủ đạo tác động tích cực lên cổ phiếu ngân hàng? Tính từ đầu tháng 7 đến nay, VCB đã điều chỉnh từ hơn 39.000 đồng/CP xuống còn hơn 37.000 đồng/CP, CTG giảm từ gần 21.000 đồng/CP xuống dưới 19.000 đồng/CP, BID thì từ gần 21.000 đồng/CP xuống 19.000 đồng/CP…
Bên cạnh đó, ngưỡng 760 điểm trong ngắn hạn cũng có thể xem là ngưỡng hỗ trợ cho VN-Index, vì vậy khi chỉ số giảm xuống mức này, nhà đầu tư sẽ ra tay mua vào. Theo xu hướng trong thời gian qua, dòng tiền đã rời khỏi nhóm cổ phiếu giá rẻ, đầu cơ để chuyển trở lại nhóm cổ phiếu cơ bản nhằm tận dụng sóng kết quả kinh doanh.
Những mức độ giảm như vậy có thể xem là tương đối của cổ phiếu ngân hàng và việc tự phục hồi do dòng tiền giá rẻ mua vào cũng là điều dễ hiểu. Vấn đề ở đây là thị trường luôn cần thông tin, mà mỗi khi có biến động người ta luôn tìm một lý do để giải thích, và khi không có điều gì rõ ràng thì cứ gán nó cho tin đồn.
… đến thi gan
Nhìn lại một số thương vụ M&A đã xảy ra trong ngành Ngân hàng, có thể thấy ban đầu cũng có những tin đồn xuất hiện như một chỉ báo trước. Nhưng như vậy, đặt cược vào tin đồn cũng có thể đúng, cũng có thể sai, không thực sự chắc chắn. Vậy liệu ai có thể “thi gan” với tin đồn?
Rất khó để định lượng tin đồn sẽ tác động như thế nào đến giá cổ phiếu, và như đã nói ở trên, nếu như năm nay là năm của cổ phiếu ngân hàng, cũng như năm 2015, thì không có tin đồn M&A, cổ phiếu cũng sẽ “tự” xuất hiện một lý do nào đó để tăng.
Bàn đến một khả năng lý tưởng nhất là tin đồn (dù chỉ là phỏng đoán và thiếu kiểm chứng) “may mắn” đúng thì liệu những ai giao dịch theo có thể được hưởng thành quả hay không? Thực tế cho thấy, một thương vụ M&A thường kéo rất dài, đôi khi cả hai bên mua và bán có ý định ngồi lại với nhau, nhưng có “hợp hôn” được với nhau hay không lại là câu chuyện khác.
Ban đầu mọi chuyện rất hợp, nhưng đến khi thẩm định đầu tư và bên mua đưa ra các điều khoản thì bên bán lắc đầu, hoặc bên mua phát hiện ra những điểm ngăn trở. Những hoạt động này dù được hạn chế công bố, nhưng thông tin bằng một cách nào đó vẫn có thể được đồn đại, hoặc rỉ tai nhau.
Tuy nhiên, cũng vì không chính thức, vừa hư vừa thực nên tác động đến giá cổ phiếu cũng rất rõ ràng. Nghĩa là tin đồn có thể tạo ra hưng phấn cho nhà đầu tư tiến hành giao dịch cổ phiếu. Nhưng nếu xuất hiện một báo cáo phản bác, hay lãnh đạo doanh nghiệp bác thông tin thì giá cổ phiếu cũng có thể bị điều chỉnh vì thất vọng.
Và cho dù sau đó, các thương vụ có đi về đích thì những sự gập ghềnh kiểu này khiến cho giá cổ phiếu biến động tăng giảm, và theo lẽ thường nhà đầu tư nếu đánh ngắn hạn, trông chờ vào điều gì không chắc chắn thì cũng có thể chọn phương án tăng mua, giảm bán. Điều này càng khiến cho biên độ giá cổ phiếu biến động mạnh. Nhìn về dài hạn, có thể giá cổ phiếu vẫn tăng, nhưng liệu có đủ “gan” để giữ cổ phiếu bất chấp những biến động hàng ngày hay không lại là câu chuyện khác.