Mô hình kinh tế chia sẻ: Tránh gây bất lợi cho thị trường
Định hình nền kinh tế chia sẻ |
TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh |
Mặc dù áp dụng phương thức quản lý khác nhau đối với mô hình kinh tế chia sẻ, song các quốc gia trên thế giới đều đang “dang rộng vòng tay” với mô hình này và coi đây như một xu hướng tất yếu của quá trình phát triển. Vì vậy, theo TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), Nhà nước cần có ứng xử linh hoạt để nuôi dưỡng một mô hình tạo ra nhiều cơ hội đầu tư cho nền kinh tế.
Xin bà đánh giá về xu hướng phát triển của mô hình kinh tế chia sẻ trên thế giới hiện nay?
Mô hình kinh tế chia sẻ phát triển khá nhanh trên thế giới, tăng trưởng nhanh ở các quốc gia châu Âu và nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Mô hình này đang rất được ưa chuộng trong các lĩnh vực như dịch vụ vận tải, dịch vụ du lịch và khách sạn; dịch vụ lao động và việc làm; dịch vụ tài chính… Cách đây 4 năm thôi, doanh thu toàn cầu từ các công ty cung cấp nền tảng ứng dụng kinh tế chia sẻ chỉ đạt 15 tỷ USD, thì dự tính trong khoảng 7-8 năm nữa có thể tăng thêm gấp 22 lần, đạt tới 335 tỷ USD vào năm 2025.
Khách hàng của kinh tế chia sẻ cũng tăng nhanh. Tôi lấy ví dụ, năm 2015, 44% người tiêu dùng Mỹ đã quen thuộc với nền kinh tế chia sẻ và 19% người tiêu dùng đã tham gia vào một giao dịch kinh tế chia sẻ nào đó; 72% người Mỹ tin rằng họ sẽ sử dụng dịch vụ thông qua nền kinh tế chia sẻ trong 2 năm tới.
Thực tế này cho thấy đây là xu hướng tiêu dùng trong tương lai. Khả năng người dân ở các nước đang phát triển tham gia chia sẻ các nguồn lực với người khác còn cao hơn so với các nước tiên tiến. Xét về tính bao trùm và khả năng kết nối, kinh tế chia sẻ là mô hình kinh doanh mà các nước đang phát triển cần khuyến khích.
Kinh tế chia sẻ, một xu hướng tất yếu của quá trình phát triển |
Ở Việt Nam, mô hình kinh tế chia sẻ có ở đâu và mức độ phát triển như thế nào, thưa bà?
Đến nay chưa có con số thực sự về quy mô của nó, rất khó đo lường. Tuy nhiên có thể khẳng định là mô hình này đã đến và đang phát triển ở Việt Nam với quy mô và tốc độ nhanh ở một số lĩnh vực. Đặc biệt từ năm 2014 trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của mô hình này rất cao ở lĩnh vực dịch vụ vận tải, dịch vụ lưu trí… Ngoài ra một số dịch vụ khác hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ đang tiếp tục mở ra ở Việt Nam gồm du lịch; dịch vụ sửa chữa điện tử, điện lạnh, xây dựng; dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ cho vay ngang hàng…
Mô hình này tạo ra phương thức kinh doanh mới trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang có sự phát triển nhanh. Với sự linh hoạt của nó, các cá nhân có thể tham gia toàn hoặc bán thời gian, vì vậy mô hình kinh tế chia sẻ mở ra cơ hội đầu tư, tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập. Đây là điểm thuận lợi với quốc gia có khu vực phi chính thức lớn như Việt Nam.
Bên cạnh đó, nếu như trước đây chúng ta vẫn hay nói các DN Việt Nam nhỏ bé, chậm lớn do khó phát huy lợi thế về quy mô, thì mô hình này tạo ra giá trị tăng thêm nhờ kết nối, đổi mới sáng tạo, từ đó giúp phát huy được hiệu suất, hiệu quả nhờ quy mô.
Qua câu chuyện quản lý hoạt động của Uber, Grab, có thể thấy Nhà nước vẫn còn khá lúng túng với việc quản lý mô hình kinh tế chia sẻ. Vậy theo bà, thời gian tới Nhà nước cần xác định vai trò của mình như thế nào trong mô hình này?
Việc quản lý mô hình này như thế nào cũng là câu hỏi chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Thực tế cho thấy các nước phản ứng rất khác nhau, không có quy chuẩn chung nào cả. Sự khác nhau này thể hiện ở từng lĩnh vực, nhưng nguyên tắc chung là quản lý nhà nước phải có sự linh hoạt, lấy lợi ích xã hội làm thước đo, không chọn ai là người thắng người thua, phải tạo cơ hội và giảm rủi ro cho các DN tạo ra nền tảng. Một yếu tố nữa là bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là an toàn về thông tin.
Bà có thể chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế trong quá trình xây dựng và quản lý mô hình này?
Kinh nghiệm về quản lý mô hình này ở các quốc gia là không giống nhau. Ví dụ về dịch vụ cho thuê phòng lưu trú, có quốc gia quy định người sở hữu nhà chỉ được cho thuê tối đa 60 ngày/năm và tối đa cho 4 người/lượt. Hoặc cũng đối với dịch vụ này, kinh nghiệm quản lý thuế tại Úc là tất cả các cá nhân tham gia phải có tài khoản thuế, còn việc họ có phải nộp không thì căn cứ vào ngưỡng doanh thu 75.000 đôla Úc trở lên.
Tuy nhiên họ bắt buộc phải đầu tư vào nền tảng số, xây dựng website, quan trọng nhất là quản lý các cá nhân đăng ký tham gia dịch vụ. Với Singapore, khi dịch vụ xe đi chung bắt đầu xuất hiện, họ để cho các cá nhân tham gia thoải mái, không đưa ra quy định nào cả. Nhưng khi quy mô của ứng dụng lớn đến mức độ nhất định, nhà nước quy định một số tiêu chuẩn, quy chuẩn mà người tham gia phải đáp ứng.
Tóm lại, quản lý nhà nước phải tránh gây bất lợi cho các thị trường có mô hình hoạt động kinh tế chia sẻ. Việc gia nhập thị trường như thế nào có nên hạn chế hay không là vấn đề cần được cân nhắc kỹ. Bên cạnh đó cần lường trước được rủi ro pháp lý của các bên tham gia về tài sản. Tuy nhiên tựu chung lại thì ứng xử của nhà nước rất linh hoạt, không cứng nhắc, ban đầu để cho thị trường quen dần sau đó mới bắt đầu quy định để các mô hình này thực hiện các nghĩa vụ như tài chính, lao động, bảo hiểm…
Xin cảm ơn bà!