Định hình nền kinh tế chia sẻ
Hỗ trợ khởi nghiệp, thúc đẩy phát triển | |
Bán ý tưởng qua sàn giao dịch | |
Liên kết hỗ trợ khởi nghiệp |
Từ DN chia sẻ
Nền kinh tế chia sẻ tạo ra các hoạt động kinh tế bằng cách cho phép mọi người chia sẻ và kiếm thu nhập từ tài sản chưa được tận dụng. Chia sẻ về câu chuyện kinh doanh, Giám đốc Điều hành Uber Việt Nam Đặng Việt Dũng cho biết, dân số trẻ giúp Việt Nam trở thành một trong các thị trường phát triển nhanh của Uber. DN luôn tập trung làm tốt nhất thế mạnh của mình, đó là vận dụng công nghệ giúp việc yêu cầu xe dễ dàng hơn và tiết kiệm thời gian cho người dùng.
Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, gần một triệu khách hàng đã tin dùng dịch vụ và sử dụng thẻ thanh toán, điều chưa có tiền lệ tại Việt Nam, khi thanh toán tiền mặt vẫn chiếm 90% tổng giao dịch trong thương mại điện tử. Ở khía cạnh này, Uber đang góp phần thay đổi thói quen dùng tiền mặt của người dân, giúp thanh toán điện tử có những bước tăng trưởng vượt bậc.
Nền kinh tế đang phát triển theo cấp số nhân, vì vậy mỗi cá nhân/DN có thể vận hành theo chiều hướng có lợi nhất để nắm bắt cơ hội ở tương lai |
Trên thực tế, Uber là một ứng dụng công nghệ di động, kết nối người có xe và người có nhu cầu đi xe. “Với các đối tác, chúng tôi mang lại một cơ hội thu nhập tốt, giúp họ có được sự chủ động và linh hoạt. Đối với một quốc gia, việc tối ưu hóa lượng xe được sử dụng sẽ giảm lượng xe lưu thông, hạn chế ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Lợi ích đến được với người dùng, đối tác và cuối cùng là nền kinh tế cũng như cộng đồng”, ông Dũng cho hay.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Arizona (Mỹ), Uber giúp gia tăng hiệu suất sử dụng xe. Những chiếc xe thuộc mạng lưới chia sẻ xe nhận trung bình 1,8 người dùng, cao hơn mức 1,1 hành khách của taxi thông thường. Ứng dụng chia sẻ chuyến đi đồng nghĩa với việc các tài xế sẽ không còn phải lượn quanh các đường phố để bắt khách dọc đường. Người dân tại các thành phố đang dần thay thế việc sở hữu một chiếc xe bằng việc sử dụng dịch vụ chia sẻ chuyến đi. Một cuộc khảo sát với sự tham gia của hơn 6.200 người cho thấy, một phương tiện chia sẻ sẽ thay thế 9 đến 13 chiếc xe cá nhân.
Uber đã theo sát một công thức thành công mà họ áp dụng hiệu quả tại Việt Nam. Khi nó được chia sẻ, sẽ mang lại lợi ích cho cả khối DN kinh tế chia sẻ trong nước. Họ sẽ hưởng lợi từ môi trường kinh doanh hiệu quả. Tuy nhiên, Uber đã có mặt tại Việt Nam hơn 2 năm nhưng vẫn là một công ty khởi nghiệp và phải đối mặt với những thách thức nhất định đến chính sách, từ DN truyền thống trong cân bằng cung cầu, tiếp cận công nghệ và cả niềm tin người tiêu dùng. Đó cũng là lý do khiến doanh thu của Uber Việt Nam chủ yếu có được chỉ từ các thành phố lớn.
Việt Nam đặt mục tiêu trở thành trung tâm khởi nghiệp công nghệ của Đông Nam Á. Xét trên số lượng những ý tưởng táo bạo đến từ Việt Nam, kế hoạch này đang có những thành công nhất định. Với một không gian chung để mọi người cùng làm việc, một không gian riêng phục vụ những khách hàng cần tính bảo mật cao, mô hình co-working space đang thực hiện hoài bão thay đổi phong cách làm việc của người trẻ tại Việt Nam, ông Đỗ Sơn Dương, CEO Toong co-working space tại Hà Nội cho biết.
Tuy nhiên cho đến nay, khách hàng của Toong chủ yếu là các doanh nhân, và làm việc với những đối tác như vậy là không dễ dàng bởi bản thân họ có yêu cầu cao hơn về mọi khía cạnh dịch vụ. Cho nên, từ những cái nhỏ nhất, nhân viên của Toong phải đồng thời là nhân viên của các doanh nhân này, phải đáp ứng được nhu cầu của họ. “Đây là phần khó”, ông Dương thừa nhận sau hai năm khởi nghiệp và Toong đã có những thành công nhất định.
Đến nền kinh tế sẻ chia
Chính phủ Anh thậm chí còn thành lập Sharing Economy UK - một cơ quan giúp thúc đẩy các sáng kiến trong kinh tế chia sẻ. Thận trọng hơn, nhưng gần đây Singapore cũng ráo riết thực hiện một loạt động thái nhằm thúc đẩy mạnh mô hình kinh tế chia sẻ. Ví dụ, Cơ quan Quản lý nhà ở Singapore (HDB) cũng ban hành quy định thời gian cho thuê căn hộ không được ít hơn 6 tháng. Hiệp hội Kinh tế chia sẻ Singapore đã chính thức được thành lập với mong muốn thúc đẩy Chính phủ có những động thái nhanh hơn trong việc sửa đổi các luật liên quan.
Không thể phủ nhận kinh tế chia sẻ tạo ra cơ hội để tận dụng tốt hơn những nguồn lực và tài nguyên, tối đa hóa công năng của chúng. Song vẫn có những quốc gia, ở từng thời điểm, tỏ ra khá thận trọng. Những đánh giá, thậm chí chỉ trích một số DN hoạt động theo mô hình này vi phạm pháp luật, trốn thuế, phá vỡ sự an toàn của những công việc truyền thống và tạo thuận lợi cho việc xâm phạm lợi ích người lao động chỉ lắng xuống khi mô hình kinh tế mới chứng minh được tính khả thi của nó, trở thành mảnh đất màu mỡ cho lĩnh vực dịch vụ.
Việt Nam đang tìm kiếm giải pháp cho vấn đề giao thông đô thị. Tại Diễn đàn DN thường niên 2016, ông Kenneth M Atkinson – Chủ tịch Hiệp hội DN Anh quốc tại Việt Nam thẳng thắn chỉ rõ, tắc nghẽn giao thông đang là một vấn đề ngày càng trầm trọng ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Thực trạng thiếu phương tiện giao thông công cộng phù hợp đang gây khó khăn cho việc giải quyết ùn tắc trên đường phố. Mặt khác tốc độ gia tăng xe hơi so với xe máy cũng là một điểm cần được xem xét.
Theo Báo cáo Điều chỉnh chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ Giao thông - Vận tải, chỉ từ 2000 tới 2011, số lượng xe hơi và xe gắn máy tại TP. Hồ Chí Minh đã tăng gấp 5 lần. Chính phủ ước tính cần tới 48 tỷ USD trong giai đoạn 2016 - 2020 để nâng cấp hạ tầng cơ sở giao thông. Đây là mức đầu tư lớn với bất cứ Chính phủ nào, nhưng nhìn ở góc độ kinh tế chia sẻ, vấn đề này có thể được giải quyết nhờ công nghệ và tận dụng những chiếc xe đang chạy trên đường. Muốn vậy, cần khuyến khích việc chia sẻ chuyến đi.
Hãng kiểm toán Pricewaterhouse Coopers dự báo mô hình kinh tế chia sẻ sẽ phát triển theo cấp số nhân, từ 15 tỷ USD lên tới 335 tỷ USD vào năm 2025. |