Mở rộng thị trường du lịch
Thời của ngành “công nghiệp không khói” | |
Cần sự bền vững trong phát triển du lịch |
Duy trì thị trường truyền thống
Những năm gần đây, ngành du lịch Đà Nẵng phát triển khá nhanh. Hàng năm, thành phố bên bờ sông Hàn thu hút một lượng lớn du khách từ trong và ngoài nước. Để phát triển ngành “công nghiệp không khói”, hiện nay bên cạnh việc tiếp tục duy trì tốt những thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... ngành du lịch địa phương đang tích cực mở rộng, phát triển thêm những thị trường mới tiềm năng.
Khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng chủ yếu đến từ khu vực Đông Bắc Á |
Được biết, 6 tháng đầu năm 2018, có khoảng hơn 4 triệu lượt khách đến Đà Nẵng. Trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 1,6 triệu lượt, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2017. Trong số đó, du khách Hàn Quốc chiếm một nửa với 800 nghìn lượt khách, tăng 100% so với 6 tháng đầu năm ngoái. Du khách Trung Quốc cũng đạt hơn 368 nghìn lượt, tăng 36% và chiếm 23% tổng lượt khách quốc tế.
Trên thực tế, những năm gần đây ngành du lịch Đà Nẵng đã khai thác khá tốt những thị trường du lịch truyền thống, tập trung nhiều ở khu vực Đông Bắc Á. Các du khách đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc là những nguồn khách có mức chi tiêu lớn, khá ổn định. Ngoài ra, lượng khách đến từ Trung Quốc cũng đang tăng nhanh về số lượng. Thương hiệu du lịch Đà Nẵng đã để lại nhiều dấu ấn với du khách ở khu vực.
Tuy nhiên, như nhiều địa phương khác trong cả nước, việc phát triển khá “nóng”, ở những thị trường du lịch truyền thống như Hàn Quốc hay Trung Quốc cũng tiềm ẩn những nguy cơ, ảnh hưởng đến môi trường du lịch tại Đà Nẵng. Trong đó, nổi lên là tình trạng “tour không đồng”.
Theo ông Trần Chí Cường - Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, điều này đã làm nảy sinh những bất cập. Một số cá nhân, tổ chức người nước ngoài kinh doanh trái pháp luật, núp bóng công ty lữ hành Việt Nam dưới hình thức đối tác hoặc nhập vào Việt Nam với chức danh tư vấn, hỗ trợ điều hành để thao túng, hoạt động trái mục đích, cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp, công ty lữ hành đang hoạt động tại địa phương...
Trước tình hình này, các cơ quan chức năng ở địa phương đang nỗ lực chấn chỉnh những bất cập. Trong đó, tập trung tăng cường công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên “chui”, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Phát triển thị trường mới
Đà Nẵng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đến năm 2020 đón từ 8,9 - 9,35 triệu khách du lịch. Trong đó, có khoảng 3 đến 3,5 triệu khách quốc tế và 5,85 triệu khách nội địa; tổng doanh thu du lịch đạt khoảng hơn 36 nghìn tỷ đồng...
Nhằm thực hiện được những mục tiêu trên, thời gian gần đây bên cạnh việc duy trì khai thác tốt những thị trường truyền thống, ngành du lịch địa phương đã và đang chú trọng việc mở rộng những thị trường mới. Theo đại diện Trung tâm xúc tiến du lịch Đà Nẵng, các thị trường mới mà ngành du lịch địa phương đang nhắm đến là các thị trường châu Âu, Mỹ, Ấn Độ hay Úc...
Trên thực tế, đây là những thị trường khách du lịch có mức chi tiêu cao, ổn định và có nhiều tiềm năng đối với du lịch Việt Nam nói riêng trong đó có Đà Nẵng. Việc phát triển những thị trường khách du lịch mới, giúp đa dạng nguồn khách, hạn chế phụ thuộc vào những thị trường truyền thống như hiện nay.
Để có thể phát triển những thị trường khách du lịch mới, một cách có hiệu quả, chính quyền địa phương mà trực tiếp là ngành du lịch đang thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến du lịch tại những thị trường đã được xác định. Ngành du lịch Đà Nẵng đã và đang tham gia vào những sự kiện, hội chợ du lịch tại những thị trường trọng điểm như, giới thiệu về điểm đến Đà Nẵng tại Ấn Độ, tham gia gian hàng giới thiệu sản phẩm du lịch với doanh nghiệp châu Âu tại Hội chợ Top Resa tổ chức tại Pháp hay tham gia Travel Expo ở Úc...
Trước đó, Sở Du lịch Đà Nẵng đề nghị lãnh đạo thành phố có ý kiến với Chính phủ mở rộng diện miễnthị thực (visa) cho một số thị trường quốc tế. Cụ thể, tăng thời hạn miễnvisađối với các thị trường như, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan, Nga, Hàn Quốc, Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ý… lên 21 hoặc 30 ngày (thay vì 15 ngày như hiện tại).
Đồng thời, tiếp tục tăng thời hạn thí điểm miễn visa cho 5 nước Anh, Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha lên 5 năm hoặc xem xét miễn visa cho 5 nước này cũng như cho phép miễn visa đối vớikhách quốc tếnhập cảnh vào Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng cần thêm những đường bay trực tiếp đến các thị trường du lịch mới, tạo thuận lợi trong việc di chuyển của du khách.
Ngoài ra, ngành du lịch địa phương cũng cần chú trọng việc phát triển các sản phẩm du lịch mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các du khách, đặc biệt là những du khách đến từ các thị trường “khó tính”. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng Cục du lịch, du lịch Đà Nẵng đã phát triển đến ngưỡng cần những bước đi đột phá mới.
Trong đó, cần phải tiếp tục đầu tư các sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, các điểm mua sắm chất lượng cao, các sản phẩm giải trí hiện đại, chuyên biệt tạo cảm hứng cho khách du lịch...Bên cạnh mở rộng thị trường quốc tế, cũng cần chú trọng đến thị trường khách trong nước.
Bởi, dòng khách nội địa vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng khách đến Đà Nẵng trong thời gian qua. Điều đáng chú ý, số lượng khách nội địa đến và quay lại Đà Nẵng ngày càng tăng. Điều này cho thấy, du lịch bên bờ sông Hàn không chỉ có sức hút về cảnh quan và chất lượng dịch vụ mà môi trường du lịch cũng đang được đánh giá cao.