Mở rộng tín dụng cho chủ trang trại
Đổi mới hỗ trợ vốn cho nông nghiệp | |
Nâng cánh cho nông nghiệp công nghệ cao | |
Gỡ vướng cho tín dụng nông nghiệp công nghệ cao |
Đó là mong muốn của các chủ trang trại cũng như NH tại buổi tọa đàm giữa Agribank Nghệ An với các chủ trang trại trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo Agribank Nghệ An cho biết, thời gian qua, chi nhánh đã bám sát định hướng chỉ đạo của ngân hàng và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chủ động đưa ra các giải pháp phù hợp để cho vay kinh tế trang trại.
Đến 30/4/2017, tổng nguồn vốn của Agribank Nghệ An đạt 21.845 tỷ đồng, tăng 1.285 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng dư nợ đạt 19.203 tỷ đồng, tăng 470 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó, cho vay nông nghiệp nông thôn là 16.267 tỷ đồng, chiếm hơn 86% tổng dư nợ với hơn 151.658 khách hàng. Riêng dư nợ cho vay trang trại đạt 61.900 triệu đồng, trong đó: dư nợ cho vay trồng trọt là 6.583 triệu đồng; chăn nuôi 31.237 triệu đồng; lâm nghiệp 550 triệu đồng; nuôi trồng thuỷ sản 250 triệu đồng; kinh tế hỗn hợp (VAC) 23.280 triệu đồng. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 2.245 trang trại, trong đó chỉ có 482 trang trại đủ tiêu chí mới theo Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thời gian qua, chi nhánh đã chủ động đưa ra các giải pháp phù hợp để cho vay kinh tế trang trại |
Tại buổi toạ đàm, các chủ trang trại đánh giá hỗ trợ tích cực của phía ngành NH, địa phương. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các chủ trang trại mạnh dạn đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, các chủ trang trại đề nghị cần có cơ chế hỗ trợ lãi suất, chi phí mua con giống, cây trồng vật nuôi…
Bên cạnh đó, các cấp ngành nghiên cứu ban hành có chính sách đồng bộ hơn nữa về lĩnh vực trang trại, mở các lớp đào tạo tập huấn nâng cao trình độ kiến thức về kỹ năng quản lý, trong đầu tư kinh tế trang trại cho các chủ trang trại; tạo điều kiện cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho các chủ trang trại khi đã có điều kiện theo thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Trao đổi với các đại biểu tại buổi tọa đàm, ông Trần Văn Đức – Phó giám đốc Agribank Nghệ An cho biết, hiện nay nhiều trang trại kinh doanh tự phát, thiếu chiến lược dài hạn, nguồn đầu vào cũng như đầu ra chủ yếu là thị trường tự do, không có sự liên doanh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm do vậy không kiểm soát được chất lượng đầu vào đầu ra dẫn đến hiệu quả kinh doanh không ổn định. Đó là lý do khiến một số chủ trang trại không tận dụng được cơ chế bảo đảm tiền vay theo chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ là được xem xét cho vay không có tài sản đảm bảo do thiếu độ tin cậy đối với NH khi xem xét cho vay.
Để tăng cường khả năng tiếp cận vốn NH, lãnh đạo Agribank Nghệ An đề nghị về phía các chủ trang trại cần đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh theo hình thức sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững, ứng dụng công nghệ cao. Các chủ trang trại xây dựng mối liên doanh, liên kết trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi… giữa các trang trại cũng như với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trên thị trường, các siêu thị, nhà hàng trong tiêu thụ và phân phối sản phẩm.
Agribank Nghệ An cho biết, trong thời gian tới chi nhánh sẽ tập trung thực hiện tốt chính sách tín dụng của Chính phủ về nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP; tiếp tục duy trì mối liên hệ với Hội Kinh tế trang trại tỉnh để kịp thời nắm bắt những tồn tại, khó khăn trong quan hệ vay vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn, phục vụ khách hàng tốt nhất...