MRT 23: Rà soát triển khai chủ đề và các ưu tiên APEC 2017
Hợp tác thương mại đầu tư trong APEC: Cơ hội nhiều hơn thách thức | |
Chìa khóa cho thành công mới: Đặt người dân và DN ở trung tâm của sự phát triển |
Tái đăng cai APEC sau 11 năm, với phương châm phối hợp cùng các nền kinh tế thành viên trong khu vực xây dựng một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD) hoà bình, ổn định, phát triển, kết nối và thịnh vượng, sau khi thảo luận và được sự ủng hộ cao của các thành viên APEC, Việt Nam đã xác định chủ đề của năm APEC 2017 là: “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.
Các đại biểu chụp ảnh tại Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai |
Để cụ thể hóa chủ đề này, Việt Nam cũng đã đưa ra 4 ưu tiên, tập trung vào các nội dung mà APEC đang chú trọng hợp tác trong thời gian qua như: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo; Tăng cường liên kết kinh tế khu vực; Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số; Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu…
MRT 23 sẽ tập trung rà soát việc triển khai chủ đề và các ưu tiên của năm APEC 2017, đồng thời cho chỉ đạo về các hoạt động về kinh tế - thương mại trong khuôn khổ hội nhập kinh tế khu vực, những nỗ lực của APEC để ủng hộ hệ thống thương mại đa phương mà đại diện là Tổ chức WTO, hướng tới thành công của Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 11 sẽ được tổ chức vào tháng 12 tới tại Argentina.
MRT 23 vì vậy sẽ là cuộc họp quan trọng để quyết định các bước tiếp theo trong thương mại khu vực trong bối cảnh sự hoài nghi về những lợi ích của toàn cầu hoá ngày càng tăng và sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ và xã hội. Hội nghị cũng sẽ bàn các sáng kiến về thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; vấn đề phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số…
"Động lực của thương mại và hội nhập thị trường đang được “kiểm nghiệm” theo những cách mà chúng ta chưa từng thấy. Bức tranh chuyển dịch này vừa là nguyên nhân gây ra những quan ngại nhưng cũng là cơ hội để tìm ra và triển khai những cách tiếp cận chính sách mới đối với toàn cầu hóa nhằm cải thiện hơn nữa kinh tế xã hội”, TS. Alan Bollard, Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC nhận định.
Theo kiến giải của TS. Bollard, việc những người theo chủ nghĩa dân túy gây áp lực phải đi theo xu hướng chủ nghĩa bảo hộ đang tạo ra nguy cơ chi phí cao hơn cho các DN và người tiêu dùng, làm giảm các lựa chọn về sản phẩm và dịch vụ, cũng như làm chậm lại động lực tăng trưởng dựa trên thương mại trong khu vực.
Nhưng chính điều này cũng thúc đẩy các hành động phối hợp chặt chẽ hơn nhằm giải quyết các mối quan ngại về cạnh tranh thị trường, những xáo trộn về lao động và đối phó với sự bất bình đẳng gia tăng khi tích tụ của cải gia tăng trong các nền kinh tế.
Các bộ trưởng và các quan chức sẽ tập trung vào việc tạo ra thương mại tự do hơn ở CA-TBD, đảm bảo lợi ích của toàn cầu hoá đồng thời bảo vệ phúc lợi cho người dân bị dễ tổn thương. Điều này bao gồm các nỗ lực hợp tác mới nhằm tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp có nhu cầu cao như đổi mới kỹ thuật số, dịch vụ môi trường và sản xuất thực phẩm, cũng như giải quyết các biện pháp hạn chế thương mại làm suy yếu tiềm năng phát triển và tạo việc làm.
Trong đó, việc tăng cường vai trò và sự tham gia vào thương mại của các MSMEs thông qua nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của họ sẽ giúp cho quá trình toàn cầu hoá hoạt động tốt hơn, hỗ trợ một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân trong khu vực.
Chỉ đạo của các bộ trưởng sẽ là cơ sở để Việt Nam phối hợp với các thành viên APEC hoàn thiện những đề xuất, sáng kiến trình lên Hội nghị Cấp cao APEC được tổ chức vào tháng 11 tới tại Đà Nẵng. Bên lề MRT 23, Bộ Công Thương cũng sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị APEC về Thương mại và Sáng tạo vào ngày 19/5, với sự tham gia của nhiều đại diện DN của các thành viên APEC.
Tại Hội nghị này cũng sẽ có buổi đối thoại giữa các bộ trưởng thương mại và đại diện DN APEC về mối quan hệ giữa các chính sách thương mại và các hoạt động đổi mới sáng tạo và làm thế nào để các chính sách này khuyến khích được hoạt động, cũng như tinh thần đổi mới, sáng tạo tại các nền kinh tế thành viên.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, cho đến nay công tác chuẩn bị cho MRT 23 đã hoàn tất. Ngoài công tác điều hành hội nghị, trong đó có việc đảm bảo chuẩn bị tốt các văn kiện quan trọng là dấu ấn của hội nghị, Bộ Công Thương cũng đặt mục tiêu qua MRT 23, Việt Nam có thể tăng cường quan hệ thương mại song phương với các thành viên APEC, thông qua các cuộc tiếp xúc song phương cấp bộ trưởng, các cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo Bộ Công Thương với đại diện cộng đồng DN. |