Mục tiêu 5%/năm?
Xu hướng tăng lạm phát năm 2016 chủ yếu do điều chỉnh giá | |
Vì sao lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh? | |
Điều hành CSTT chủ động linh hoạt để kiểm soát lạm phát, ổn định KTVM |
Dự thảo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 do Bộ KH&ĐT soạn thảo, đã đặt ra nhiều mục tiêu, giải pháp tái cơ cấu hệ thống NH. Trong đó có mục tiêu phải đưa lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển là khoảng 5%/năm. Liệu mục tiêu này có khả thi không?
Bản chất của lãi suất ai cũng hiểu, nó không chỉ phản ánh quan hệ cung cầu về vốn trên thị trường, mà còn hàm chứa sức mạnh của nền kinh tế, phản ánh tính ổn định của kinh tế vĩ mô. Cụ thể là lạm phát phải được kiềm chế ổn định ở mức thấp, cán cân thanh toán và ngân sách phải luôn giữ ở ngưỡng an toàn thì lãi suất mới có thể ở mức thấp…
Ảnh minh họa |
Thực trạng nền kinh tế Việt Nam cho thấy, chúng ta vừa trải qua thời kỳ lạm phát cao. 5 năm trở lại đây lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, nhưng tính ổn định chưa cao và chịu tác động nhiều của mức giá cả trên thị trường quốc tế, kinh tế vĩ mô và nền kinh tế còn nhiều bất cập.
Với thực trạng đó, thời gian vừa qua, cũng như hiện nay ngành NH đã rất nỗ lực để kéo mức lãi suất cho vay từ trên 18%/năm xuống dưới 12%/năm, thậm chí ở một số lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế lãi suất ở mức dưới 10%/năm nhằm phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Câu hỏi đặt ra, liệu đến năm 2020 việc tái cơ cấu nền kinh tế có tạo ra được sức mạnh đủ để giảm mức lãi suất theo mục tiêu đó không? Khi mà ngân sách Nhà nước vẫn tiếp tục thâm hụt ở mức cao, nợ nước ngoài tiếp tục gia tăng, môi trường sinh thái ô nhiễm lan rộng do một thời gian dài chạy theo tăng trưởng cao, năng suất lao động chưa được cải thiện đáng kể, hiệu quả đầu tư thấp, hệ số ICOR giai đoạn 2011-2015 có được cải thiện so với giai đoạn trước, nhưng vẫn ở mức cao là 6,9, trong khi ở Indonesia chỉ có 3,68, Philippines là 4, Lào là nước kém phát triển cũng chỉ 4,2…
Giả thiết đến 2020 các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế mang lại hiệu quả thiết thực, tạo được mức tăng trưởng kinh tế cao, bền vững, kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường sinh thái được cải thiện… thì việc giảm lãi suất là xu hướng tất yếu.
Song, mục tiêu phát triển thị trường tài chính đến năm 2020 và những năm tiếp theo là từng bước tự do hóa thị trường tài chính, trong đó tự do hóa lãi suất là một trong những tiêu chí, điều kiện cần thiết để tự do hóa thị trường tài chính, hơn nữa tự do hóa lãi suất sẽ là một trong những yếu tố quan trọng mang lại hiệu quả cao cho việc sử dụng vốn trong phát triển kinh tế.
Nếu kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế đặt mục tiêu lãi suất cho vay khoảng 5%/năm, điều đó buộc NHNN phải theo đuổi mục tiêu đó. Điều đó dường như đi ngược với xu hướng tự do hóa lãi suất, hơn nữa lãi suất chỉ là một công cụ điều hành, nó không phải là mục tiêu để NHNN phải theo đuổi. Mục tiêu NHNN phải theo đuổi đến năm 2020 và những năm tiếp theo là kiểm soát ổn định lạm phát ở mức dưới 5%, đảm bảo phát triển an toàn hệ thống các TCTD và hệ thống thanh toán quốc gia.
Vì lẽ đó, Bộ KH&ĐT và Chính phủ cần cân nhắc kỹ có nên đưa ra mục tiêu này hay không. Hãy để lãi suất vận động sát với thị trường và mục tiêu điều hành của NHNN. Theo đó, nên trao trách nhiệm và quyền điều hành lãi suất cho NHNN tự quyết định theo xu hướng tự do hóa lãi suất. Điều này phù hợp với Luật NHNN và thông lệ quốc tế.