Mỹ “tạm biệt” TPP: Quá nhanh, dù chẳng bất ngờ
Một hiệp định - Nhiều biến số | |
Có hay không có TPP: Việt Nam vẫn chủ động cải cách và hội nhập | |
Thiếu TPP không làm thụt lùi cải cách ở Việt Nam |
Giới phân tích nhìn nhận, đây là động thái khiến Mỹ xa rời với các đồng minh châu Á, trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực đang gia tăng.
Ông Trump ký sắc lệnh rút khỏi TPP |
Hiện thực hóa cam kết
Quyết định chính thức rút khỏi TPP của Mỹ mà ông Trump đưa ra là việc hiện thực hóa những cam kết mà ông này đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử của mình từ năm 2015.
Cụ thể, với cam kết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ ngành sản xuất trong nước và mang việc làm trở tại Hoa Kỳ, ông Trump cho biết thay vì TPP hay một số FTA tự do khu vực khác, Mỹ sẽ tìm kiếm thỏa thuận thương mại song phương với từng nước. Bởi một cơ chế hợp tác như vậy sẽ cho phép Hoa Kỳ có thể nhanh chóng chấm dứt trong 30 ngày nếu nước nào đó bị xem là “đối xử tệ bạc" với Mỹ.
“Chúng ta sẽ ngăn chặn các hiệp định thương mại vô lý mà đã đưa người và các DN ra khỏi đất nước của chúng ta” – ông Trump nói khi gặp các nhà lãnh đạo công đoàn tại Nhà Trắng mới đây. Ông Trump cũng từng khẳng định: “TPP cũng là một thảm họa khác (ý nói bên cạnh các hiệp định như NAFTA) đã được các nhóm lợi ích thúc đẩy nhằm ăn hiếp nền kinh tế Mỹ, hay tiếp tục ăn hiếp đất nước chúng ta”.
Theo nhận định của Ian Bremmer, Chủ tịch của tập đoàn Eurasia, việc “giết chết TPP thực sự làm suy yếu Hoa Kỳ trong mắt của các đồng minh châu Á. Bởi các nước thành viên đã rất nỗ lực để đạt được TPP và bây giờ, với việc Mỹ rút lui thì họ sẽ cảm thấy rằng không còn có thể dựa vào Hoa Kỳ”.
Với việc TPP chính thức bị từ bỏ thì chính quyền của ông Trump sẽ tìm cách tiến hành các FTA riêng biệt với từng nước. Tuy nhiên theo giới phân tích, điều này sẽ mất thời gian dài vì ngay như với TPP, dù đã bắt đầu từ năm 2008 nhưng vẫn không kịp hoàn thành khi Mỹ có chính quyền mới.
Trước khi đưa ra quyết định rút khỏi TPP trên, ông Trump đã gặp một số lãnh đạo tập đoàn sản xuất lớn của Mỹ vào ngày 23/1 vừa qua tại Nhà Trắng. Trong đó, ông Trump cam kết sẽ giảm thuế và giảm các thủ tục cho các DN Mỹ muốn quay trở về Mỹ mở các nhà xưởng sản xuất. Đơn cử, thuế DN sẽ được giảm xuống mức 15-20% thay vì mức 35% hiện nay. Đồng thời, những tập đoàn muốn mở các nhà máy sản xuất tại Mỹ sẽ được đáp ứng nhanh chóng về mặt quy định, thủ tục.
Song song với đó, ông Trump cũng nhấn mạnh một mặt ông sẽ xem xét lại các hiệp định thương mại mà Mỹ đã ký kết với các nước và khu vực (như với TPP hay NAFTA ) mà ông ta cho là không công bằng, mặt khác sẽ bắt những DN Mỹ vẫn muốn mở rộng các cơ sở sản xuất ở nước ngoài phải “trả giá” đắt đỏ hơn theo hướng các sản phẩm được sản xuất từ các nước rồi xuất khẩu vào Mỹ sẽ phải chịu thuế cao lên đáng kể.
Cơ hội cho Trung Quốc
TPP - được hỗ trợ mạnh bởi các DN Mỹ - đã được chính quyền của cựu Tổng thống đảng Dân chủ Barack Obama khởi động và hoàn tất đàm phán nhưng chưa được Quốc hội Mỹ thông qua dù vào thời gian cuối ông Obama đã được trao quyền đàm phán nhanh.
Khung khổ TPP được xem là một nỗ lực để tạo lập các quy tắc thương mại của châu Á với Mỹ trước khi Bắc Kinh có thể làm điều tương tự (như thông qua RCEP), đồng thời thiết lập vị thế dẫn dắt kinh tế khu vực của Hoa Kỳ trong chiến lược xoay trục sang châu Á của mình. Đây cũng được xem là một hiệp định mang tính chiến lược để giúp Mỹ và đồng minh chống lại những ảnh hưởng kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực.
Eric Altbach, cựu phó trợ lý Đại diện Thương mại Mỹ về các vấn đề Trung Quốc cho rằng: “Việc Mỹ rút khỏi TPP là một món quà khổng lồ với Trung Quốc vì bây giờ họ có thể xem mình là động lực của tự do hóa thương mại".
Trong khi đó theo Thượng nghị sĩ John McCain, việc Mỹ rút khỏi TPP "sẽ tạo ra một sự mở đầu cho Trung Quốc trong viết lại các quy luật kinh tế và nó sẽ gửi một tín hiệu đáng lo ngại về việc Mỹ đang rút chân khỏi khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngay tại một thời điểm mà ít nhất là chúng ta có đủ khả năng để làm điều đó”.
Về phần mình, Trung Quốc đã đề xuất thành lập một Khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương và cũng là nước dẫn dắt hiệp định RCEP. Nếu RCEP có hiệu lực sẽ mang đến một thị trường tự do thậm chí còn rộng lớn hơn TPP.
Hơn thế nữa, trong khi cũng cắt giảm thuế quan như TPP nhưng RCEP lại không yêu cầu các nền kinh tế thành viên phải thực hiện các bước tự do hóa nền kinh tế, bảo vệ quyền lao động, tiêu chuẩn môi trường chặt chẽ hay siết chặt quyền sở hữu trí tuệ như TPP. Ngoài ra, các quốc gia đang phát triển tham gia RCEP còn có thêm thời gian để thực hiện theo quy định như vẫn đang có tại nước mình.
Zhou Shijian, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Thanh Hoa cho rằng: "Trung Quốc nên nhanh chóng tranh thủ cơ hội này, bởi nó sẽ không kéo dài quá lâu vì Trump sớm muộn gì sẽ “tỉnh” sớm" (hàm ý nói sẽ sớm nhận ra sai lầm về quyết định rút khỏi TPP này).
Nhà nghiên cứu này tin rằng, RCEP có thể đạt được thỏa thuận vào cuối năm nay. Và để đẩy nhanh việc đạt được thỏa thuận cuối cùng này thì RCEP không nhất thiết phải có được sự nhất trí của tất cả 16 quốc gia thành viên. “Nếu chỉ có 14 hoặc thậm chí 12 quốc gia đồng ý, thì RCEP đã có thể thành công. Sự tiến bộ không nên bị trì hoãn chỉ bởi một hoặc hai quốc gia riêng biệt" - Zhou Shijian nói.
Còn Dan Ikenson, Giám đốc Trung tâm Stiefel Herbert A. của Viện Nghiên cứu Chính sách Thương mại Cato thì cho rằng: “Đây là cơ hội để Trung Quốc giữ các cải cách của riêng mình và sử dụng hệ thống riêng của họ như là một mô hình để rút ra các nước khác gần với quỹ đạo của Trung Quốc”.
Phản ứng của các thành viên TPP
Động thái dù không còn bất ngờ nhưng quá nhanh chóng của ông Trump ngay trong những ngày đầu tiên điều hành chính quyền trong việc quyết định rút khỏi TPP khiến Nhật Bản và nhiều nước khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương lo ngại. Nhất là trong bối cảnh trước đó, ông Trump cũng từng cho rằng, các đồng minh của Mỹ tại khu vực này “cần phải trả tiền nhiều hơn cho Mỹ” để Mỹ đảm bảo an ninh cho họ.
Tuy nhiên theo ông Harry Kazianis, Giám đốc nghiên cứu quốc phòng thuộc Center for the National Interest – một cơ quan nghiên cứu uy tín ở Mỹ, ông Trump sẽ phải tìm một cách thức khác để trấn an các đồng minh ở châu Á. “Điều này có thể bao gồm các hiệp định thương mại song và đa phương. Trong đó, Nhật Bản, Đài Loan và Việt Nam cần được tiếp cận đầu tiên (tức là cần ưu tiên) vì đây là những mấu chốt cho bất kỳ chiến lược châu Á mới nào mà Tổng thống Trump muốn theo đuổi trong tương lai” - Harry Kazianis nhận định.
Trong một động thái nhằm cứu vãn TPP sau khi Mý tuyên bố rút lui, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho biết ông đã thảo luận trong đêm 23/1 với người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe và tổ chức các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo của New Zealand và Singapore. Bộ trưởng Thương mại Australia thì cho hãng tin ABC Radio biết, một TPP không có Mỹ là “một lựa chọn rất có thể xảy ra”.
Theo Jayant Menon, nhà kinh tế trưởng về thương mại và hợp tác khu vực thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nỗ lực của Australia có lẽ chỉ mang tính giữ thể diện cho những gì mà các thành viên đã rất cố gắng mới có được. Bởi theo chuyên gia này, việc TPP mà thiếu đi Mỹ - thị trường lớn nhất mà vì nó thì các nước thành viên mới chấp nhận các quy tắc đặt ra trong TPP – sẽ không còn ý nghĩa.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đưa tin, Úc, Chile và New Zealand cho biết vào ngày 24/1 rằng, họ hy vọng sẽ cứu vãn được TPP bằng cách khuyến khích Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác tham gia hiệp định này.
Trong khi đó với Nhật Bản, nước này vẫn chưa muốn hình dung tới một TPP mà không có sự tham gia của Mỹ. Trả lời câu hỏi của các phóng viên về phản ứng của Nhật, Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Koichi Hagiuda nói ngắn gọn: “Nhật Bản hiện vẫn chưa xem xét đến một TPP mà không cóMỹ”
Còn Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Hiroshige Seko thì cho biết: “Chúng tôi muốn tiếp tục thuyết phục Hoa Kỳ về những lợi ích chiến lược và kinh tế của TPP. Trong số các nước tham gia vào các thỏa thuận TPP thì điều quan trọng nhất là phải có trong đó nền kinh tế Mỹ - nền kinh tế lớn nhất. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiên trì nhắc nhở Mỹ về điều này”.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng: Với quyết định rút khỏi TPP của Mỹ vừa qua thì trong tương lai, khả năng về một TPP có Mỹ là rất nhỏ. Trong khi đó, kịch bản có thể xảy ra là hoặc 11 nước còn lại sẽ phải đàm phán lại, hoặc TPP sẽ bị xóa sổ. Trong đó, khả năng đàm phán lại thì cũng rất khó vì các nước vì các nước cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Điều này muốn đạt được thì đòi hỏi các nước phải rất quyết tâm và vai trò của Nhật Bản là rất quan trọng. Khả năng Trung Quốc tham gia TPP như một số thông tin có thể xảy ra nhưng cũng rất nhỏ vì có thể chính Trung Quốc cũng không mặn mà. Bởi còn có RCEP mà ở đó họ giữ vị thế “dẫn dắt cuộc chơi” trong khi nếu tham gia vào TPP thì Trung Quốc là người đến sau, không phải chủ cuộc chơi và dù được đàm phán lại nhưng rõ ràng họ phải chấp nhận về một khuân khổ TPP cơ bản đã có rồi. Do đó, với Trung Quốc thì bối cảnh hiện nay chính là cơ hội vàng để họ thúc đẩy RCEP mạnh mẽ trong thời gian tới. Với Việt Nam, diễn biến tiếp theo dù xảy ra theo phương án nào đi nữa (không có TPP nữa hay 11 nước trong TPP phải đàm phán lại) đều sẽ tác động đến thương mại giữa Việt Nam với Mỹ, vì lúc bấy giờ, hàng hóa của chúng ta không còn được hưởng thuế 0% tại thị trường Mỹ như nếu có TPP và Mỹ tham gia. Nhưng có một thực tế là Việt Nam và Mỹ xuất – nhập khẩu những mặt hàng khá mang tính bổ sung cho nhau nên nhu cầu vẫn có và vị trí đối tác thương mại lớn của Mỹ với xuất khẩu của Việt Nam vẫn được duy trì, chỉ là không tăng trưởng mạnh như kỳ vọng có TPP. Trong khi đó về đầu tư, có thể với việc không có TPP và việc chính quyền của ông Trump thay đổi trong điều hành chính sách kinh tế theo hướng bảo hộ thương mại, đầu tư, khuyến khích DN Mỹ quay về nội địa đầu tư thì sẽ có tác động nhất định đến đầu cả trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam, đặc biệt dòng vốn từ Mỹ trong tương lai. Cộng với tác động nữa là khả năng Fed tăng lãi suất nhanh hơn thì đồng USD cũng nhiều khả năng tiếp tục tăng giá, qua đó có thể làm cho việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư khỏi các thị trường mới nổi mạnh hơn, trong đó có Việt Nam. |