Một hiệp định - Nhiều biến số
Vắng TPP, dòng thương mại tự do vẫn không ngừng chảy | |
Ông Trump tuyên bố sẽ rút khỏi TPP ngay ngày đầu nhậm chức | |
Nếu TPP không được hiện thực hóa |
TPP với chặng đường gập ghềnh ở phía trước
Trải qua hơn 5 năm đàm phán, ngày 5/10/2015, 12 nước vành đai Thái Bình Dương - gồm Nhật Bản, Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam - đã đạt được sự nhất trí về TPP. Ngày 4/2/2016, văn bản chính thức của Hiệp định được ký kết nhưng để có hiệu lực, TPP phải được cơ quan lập pháp của 12 nước thông qua. Theo quy định, TPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày tất cả 12 nước phê chuẩn. Nếu sau 2 năm, 12 nước chưa thể thông qua toàn bộ hiệp định, thì TPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày nếu có ít nhất sáu nước (cần chiếm trên 85% GDP của các nước tham gia) phê chuẩn.
Việt Nam từng được dự báo là một trong những nước sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP |
Nhiều năm qua, Chính quyền Obama tập trung nguồn lực để thúc đẩy đàm phán TPP - một trong ba hiệp định thương mại và đầu tư lớn nhất mà Mỹ từng thương lượng trong kỷ nguyên hậu chiến. Là hiệp định khu vực do Mỹ dẫn dắt, TPP bao trùm một thị trường có tới 800 triệu dân và chiếm gần 40% GDP thế giới, 30% thương mại toàn cầu.
Thế nhưng số phận của TPP đang trở nên mong manh sau khi ông Trump nói sẽ thực hiện một loạt chính sách mang tính bảo hộ thương mại. Trong thời gian tranh cử, ông Trump nhiều lần cho rằng TPP là đòn mạnh giáng vào ngành chế tạo Mỹ, làm nước Mỹ tăng nhập siêu, làm giảm khả năng sáng tạo của người Mỹ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường việc làm của Mỹ... Có thể nói việc ông Trump vượt qua bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống sẽ đẩy TPP vào một tương lai không có Mỹ tham gia.
Tuy nhiên, ông Trump sau đó đã thay đổi một phần các tuyên bố trong chiến dịch vận động tranh cử và có thể sẽ phải suy nghĩ lại lập trường đối với TPP. Các giám đốc điều hành công ty Mỹ “đang xếp hàng” để thuyết phục chính quyền và Quốc hội mới về các cơ hội mà hiệp định mang tới, như gia tăng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, những sản phẩm thể hiện công nghệ cạnh tranh nhất…
Không chỉ mở thêm cơ hội việc làm trong các ngành xuất khẩu của Mỹ, TPP được mong đợi sẽ giúp làm tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), việc làm, nguồn vốn và đầu tư cho nghiên cứu phát triển, công nghệ cũng như cải thiện năng suất cho kinh tế Mỹ. Nhưng các quan điểm phản đối TPP trong lòng nước Mỹ cho rằng kể cả TPP có tác động tích cực cũng chỉ chiếm một tỷ lệ phần trăm nhỏ trong quy mô tổng thể của nền kinh tế, thay vào đó Hiệp định đem đến nhiều lợi ích lớn hơn cho các đối tác của Mỹ.
Theo giới phân tích, từ bỏ TPP sẽ làm xói mòn vai trò lãnh đạo của Mỹ trên toàn cầu bởi TPP không chỉ đơn giản là một thỏa thuận thương mại giữa 12 nước châu Á - Thái Bình Dương, mà là một sự sắp xếp chiến lược với việc sử dụng thương mại tự do như một “mỏ neo”. Mỹ tham gia Hiệp định này nhằm xây dựng thành một cấu trúc kinh tế để bổ sung cho “chiếc ô an ninh” của Washington và chiến lược xoay trục sang châu Á. Với sự mở rộng hợp tác, TPP được cho là sẽ làm đối trọng với tham vọng của một Trung Quốc đang nổi lên.
Tổng thống Barack Obama từng cảnh báo nếu rời bỏ TPP, Mỹ sẽ phải "nhường" cơ hội kiến lập các nguyên tắc cơ bản và khung quy chuẩn về tự do hóa thương mại, đầu tư và hội nhập kinh tế ở khu vực này cho Trung Quốc. Mỹ xa rời TPP cũng đồng nghĩa với việc các nước còn lại trong TPP sẽ thúc đẩy cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), mà Trung Quốc có thể tìm kiếm một vai trò dẫn dắt.
TPP qua những con số |
Nhiều nước theo đuổi TPP
Dù quan ngại về tương lai của TPP khi ông Trump chủ trương thúc đẩy chính sách bảo hộ thương mại và phản đối TPP, song nhiều nước thành viên TPP đã lên tiếng khẳng định tiếp tục đưa Hiệp định về đích mà không có sự tham gia của Mỹ bởi tầm quan trọng của TPP trong một thế giới toàn cầu hóa. Tại Hội nghị thượng đỉnh APEC hồi cuối năm 2016 tại Peru, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống nước chủ nhà Pedro Pablo Kuczynski đưa ra tuyên bố chung rằng trước những rủi ro không xác định mà thế giới đang phải đối diện, 11 quốc gia ven Thái Bình Dương sẽ tiếp tục thúc đẩy TPP, hai bên “sẽ dốc sức cùng với các nước nỗ lực làm cho TPP được thông qua một cách thuận lợi, đồng thời làm cho TPP chính thức có hiệu lực”.
Đối với Nhật Bản, TPP không chỉ liên quan đến vấn đề nhất thể hóa kinh tế khu vực và sự phát triển kinh tế của Nhật Bản, mà còn là đòn bẩy quan trọng của lợi ích địa chính trị Nhật Bản. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson, nếu được thực thi TPP sẽ mang tới thêm 125 tỷ USD cho Nhật Bản trước năm 2030. Thể hiện quyết tâm đó, Quốc hội Nhật Bản ngày 9/12/2015 đã thông qua TPP, mở đường cho các nước khác hành động theo.
Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo cho rằng các quốc gia có thể thúc đẩy việc thông qua TPP mà không cần có Mỹ, bằng cách sửa đổi thỏa thuận và có thể kết nạp thành viên mới. Còn theo Bộ trưởng Công nghiệp và Ngoại thương Malaysia, ông Ong Ka Chuan, ý định rút khỏi TPP của ông Trump chỉ là tầm nhìn tạm thời, và có thể vị doanh nhân này sẽ nhận ra những lợi ích hữu hình của TPP và thay đổi quyết định.
TPP xóa bỏ 18.000 loại thuế đối với các mặt hàng và dịch vụ của nền kinh tế lớn nhất thế giới, qua đó thúc đẩy dòng vốn đầu tư và hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sang châu Á. Một số học giả Mỹ tại Đại học California San Diego và Trung tâm Woodrow Wilson gợi ý 11 nước còn lại trong TPP nên đàm phán lại để Hiệp định có hiệu lực, đồng thời kêu gọi nền kinh tế lớn thứ 2 trong TPP là Nhật Bản đảm nhiệm vai trò dẫn dắt việc đàm phán lại nhằm giữ tinh thần của thỏa thuận là thiết lập các nguyên tắc thương mại tiêu chuẩn cao tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và vẫn để cánh cửa để Mỹ có thể tham gia trở lại.
Việt Nam trong dòng chảy mới
Việt Nam từng được dự báo là một trong những nước sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Nhưng khi TPP có thể đi theo một ngã rẽ khác thì cơ hội cho Việt Nam vẫn rộng mở khi đất nước đang tiến hành các cuộc đàm phán thương mại song phương với nhiều nước khác.
Luật sư Sesto Vecchi của hãng Luật quốc tế Russin & Vecchi, trong một bài viết cho tờ The Hill (có trụ sở ở Washington DC), nói rằng Mỹ nên tập trung vào một hiệp định thương mại song phương với Việt Nam cùng các điều khoản đã được thương lượng về cắt giảm thuế và bảo hộ lao động trong TPP. Ông Vecchi, người có hơn 35 năm kinh nghiệm hành nghề luật, cho rằng quốc gia Đông Nam Á này là một trường hợp đặc biệt để Mỹ xem xét trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách theo đuổi một hiệp định thương mại khác với các nước trong khu vực để thay thế TPP.
Việt Nam là thị trường phát triển nhanh nhất đối với hàng xuất khẩu của Mỹ. Năm 2015, lượng hàng xuất khẩu từ Mỹ sang Việt Nam tăng 24% lên 7,1 tỷ USD và với các loại thuế bảo hộ được xóa bỏ, theo các điều kiện thương lượng trong TPP, thì con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020.
Tuy nhiên, một hiệp định thương mại song phương sẽ làm thay đổi mối quan hệ thương mại Việt - Mỹ theo hướng sẽ có lợi cho cả hai bên. Theo một phân tích, công nhân Mỹ sẽ là những người được hưởng lợi nhiều nhất vì hàng nghìn việc làm với mức lương cao sẽ được tạo ra nhờ vào việc xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam trong tương lai, và Việt Nam sẽ có được những tiêu chuẩn bảo vệ cao hơn cho môi trường và người lao động trong nước.
Trên thực tế, Việt Nam đang phát triển mạng lưới đối tác chiến lược đa dạng, ký kết nhiều thỏa thuận thương mại đa dạng và tham gia các nhóm hợp tác như Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU) và Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu. Việt Nam coi trọng AEC vì cộng đồng này có tới hơn 600 triệu dân và nền kinh tế khoảng 2.600 tỷ USD, cũng như những lợi ích giá trị trong việc thúc đẩy đoàn kết và hợp tác ASEAN.
Việt Nam coi trọng AEC vì cộng đồng này có tới hơn 600 triệu dân và nền kinh tế khoảng 2.600 tỷ USD, cũng như những lợi ích giá trị trong việc thúc đẩy đoàn kết và hợp tác ASEAN.