Tìm giải pháp vực dậy ngành cơ khí
Chính thức khai mạc Triển lãm quốc tế lần thứ 5 về cơ khí chính xác | |
Niềm tin ô tô Việt | |
Đổi mới công nghệ, thúc đẩy xuất khẩu |
Trong bối cảnh cả thế giới đang phát triển cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 thì ngành cơ khí Việt Nam vẫn đang loay hoay ở trình độ 2.0. Thực tiễn gần 30 năm qua cho thấy ngành sản xuất cơ khí Việt Nam đang ngày càng tụt hậu, không đủ sức cạnh tranh giữ thị trường nội địa và mở rộng được xuất khẩu. Thực trạng trên đã được Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI) chỉ ra tại hội thảo “Công nghiệp cơ khí Việt Nam: Đổi mới và phát triển”, tổ chức chiều 19/10.
Phát triển lệch và dàn trải
Theo VAMI, việc nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu cho sản xuất ngày càng gia tăng trong các năm qua chính là biểu hiện rõ nhất cho thấy ngành cơ khí trong nước chưa phát triển. Công nghiệp cơ khí chế tạo nước ta mới đạt trình độ trung bình về gia công kết cấu thép, thiết bị phi tiêu chuẩn, chế tạo các máy công cụ, máy động lực, máy canh tác và máy chế biến nông sản cỡ nhỏ.
DN cơ khí trong nước mong được tạo điều kiện tham gia các dự án trọng điểm |
Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch VAMI cho biết, sau hơn 15 năm kể từ khi có Quyết định 186/2002/QĐ-TTg của Chính phủ về 8 nhóm sản phẩm trọng điểm, ngành cơ khí đã có những bước phát triển nhất định, song lại không đều. Dòng sản phẩm cơ khí lắp ráp, hàng kết cấu thép, thiết bị nâng hạ, lắp ráp ô tô được đầu tư nhiều (khoảng trên dưới 3 tỷ USD) nên phát triển rất nhanh trong khu vực. Trong khi đó khu vực chế tạo máy do ít được đầu tư nên chậm phát triển, sau 15 năm chưa xây dựng thêm được một nhà máy mới nào về chế tạo máy. Điều này dẫn đến ngành cơ khí phát triển lệch và phần chính yếu, quan trọng lại chưa được tập trung đầu tư.
Trong số 12 dự án thuộc cơ khí trọng điểm đã được Chính phủ phê duyệt được hưởng các chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg, chỉ có 3 dự án được thực hiện nửa chừng, không trọn vẹn, mới thực hiện trên 374 tỷ đồng trên tổng số gần 10.000 tỷ đồng, đạt 3,75%, làm cho lực lượng cơ khí không mạnh lên sau 15 năm. Chính vì vậy, mục tiêu sản phẩm cơ khí Việt Nam đáp ứng 45-50% nhu cầu trong nước và xuất khẩu 30% không đạt được như Chiến lược của Chính phủ đề ra trong Quyết định 186.
Ông Đào Phan Long, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VAMI chỉ ra thực trạng ngành cơ khí kém cạnh tranh dần do dàn trải, kém hiệu quả. Theo đó, các DN trong ngành này có đủ loại quy mô từ siêu nhỏ, nhỏ, cho đến vừa và lớn; nằm rải rác từ Bắc vào Nam; sản xuất trong tất cả các ngành thiết yếu của nền kinh tế như cơ khí chế tạo, đóng tàu, lắp ráp ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị điện… Tuy nhiên, do thiếu liên kết nên các DN đang tự “dẫm chân” nhau.
Nhìn chung, ngành cơ khí Việt Nam có điểm yếu là thường làm “trọn gói” tất cả các công đoạn, nên hiệu quả thấp, sản phẩm rất khó có khả năng cạnh tranh. Thời gian qua ngành đã tập trung phát triển hiệu quả một số chuyên ngành, sản phẩm cơ khí trọng điểm, tuy vậy trình độ kỹ thuật chỉ được xếp dưới mức trung bình. Một điểm yếu khác là các cơ sở sản xuất nằm rải rác ở các bộ, ngành, địa phương, khiến việc đầu tư khép kín, công nghệ cũ, lạc hậu, lại bị chia tách, cát cứ. Nếu không sớm tập trung sức mạnh chuyên ngành và có chính sách bảo vệ thị trường, việc cạnh tranh giữ đơn hàng sẽ không thực hiện được.
Cần chính sách trọng điểm
Trước thực trạng đó, VAMI đã đưa ra một loạt đề xuất và kiến nghị nhằm vực dậy ngành cơ khí. Theo đó, hiệp hội này cho rằng cần lựa chọn sản phẩm cơ khí trọng điểm trong giai đoạn 2011-2020. Chính phủ nên tập trung soát xét lại một số sản phẩm cơ khí trọng điểm vừa có thị trường vừa có cơ sở vật chất để phát triển, được hưởng những chính sách ưu tiên đặc biệt. VAMI khuyến nghị một số ngành như đóng tàu biển; ô tô buýt, xe khách và tải nhẹ; phụ tùng chi tiết, cụm chi tiết máy tham gia xuất khẩu, máy động lực và máy nông nghiệp; thiết bị điện…
Để tạo thị trường tiêu thụ, VAMI khuyến nghị cần tạo điều kiện cho DN cơ khí tham gia các công trình sử dụng ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Theo đó, hoàn thiện cơ chế đấu thầu quy định tỷ lệ bắt buộc sử dụng vật tư, thiết bị công nghiệp do Việt Nam sản xuất; đưa tiêu chí các công ty nước ngoài không có cơ sở sản xuất tại Việt Nam không được tham gia đấu thầu cung cấp thiết bị; không nhập khẩu các sản phẩm, chi tiết, phụ tùng đã sản xuất được trong nước trongsửa chữa, trung đại tu các công trình…
Về chính sách tạo vốn và thuế, lựa chọn một số dự án trọng điểm để tập trung vốn cho vay ưu đãi đặc biệt nhằm tạo động lực, có tác dụng kích thích phát triển ngành cơ khí; Nhà nước bảo lãnh tín dụng cho DN vay vốn nước ngoài hoặc vay vốn lưu động cho chế tạo thiết bị cần vốn lớn, chu kỳ sản xuất dài... Ngoài ra, cần có biện pháp tài chính khác như giảm thuế thu nhập DN cho DN cơ khí, giảm thuế giá trị gia tăng cho máy nông nghiệp ở mức 0%. Ngoài ra cần tập trung vào một số chính sách khác như tư vấn thiết kế và công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực; tổ chức quản lý chuyên ngành; nâng cao vai trò các hiệp hội ngành hàng…
Ông Dương Văn Hồng, Tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí xây dựng kiến nghị, trước mắt Nhà nước cần mạnh dạn ưu tiên giao các dự án EPC cho DN Việt Nam có năng lực, kinh nghiệm, đủ điều kiện thực hiện, nhằm sử dụng nguồn nhân lực, vật tư có sẵn trong nước. Đồng thời các dự án, gói thầu mà DN Việt Nam làm được hoặc liên doanh, hợp tác với nhau để có năng lực tổng hợp thì bắt buộc phải để cho DN Việt Nam làm. Đối với quản lý FDI, cần có biện pháp chống chuyển giá, khuyến khích chuyển giao công nghệ, thường xuyên ban hành danh mục những thiết bị cơ khí sản xuất được trong nước để yêu cầu chủ đầu tư bóc tách những phần Việt Nam sản xuất được để dành cho các DN Việt Nam thực hiện.