Ngành cơ khí yếu và thiếu sức cạnh tranh
Tìm giải pháp vực dậy ngành cơ khí | |
Niềm tin ô tô Việt |
Trong bối cảnh hội nhập, nhiều DN nước ngoài, DN FDI tham gia “sân chơi” cơ khí -chế tạo máy, đòi hỏi các DN nội phải ngày càng nỗ lực. Song vấn đề nằm ở chỗ, họ ngại sự không công bằng trong cơ chế, chính sách phát triển.
Ảnh minh họa |
Để minh chứng cho điều này, một số DN ngành cơ khí cho biết, để đầu tư vào lĩnh vực này đòi hỏi các DN phải có số vốn lớn, mặt bằng, nhà xưởng rộng rãi. Nhưng khó khăn nhất chính là các DN trong ngành thiếu sự liên kết, nên để sản xuất ra một sản phẩm hoàn chỉnh, các DN phải nhập khẩu linh kiện, phụ tùng với mức thuế hiện đang áp dụng từ 10 - 15%. Điều này khiến giá thành của sản phẩm trong nước tương đối cao.
Trong khi, cũng cùng một loại sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam lại hoàn toàn không bị đánh thuế (thuế suất bằng 0%). Điều này khiến cho năng lực cạnh tranh của các DN cơ khí nội đã yếu lại càng yếu hơn.
Đồng thời, không ít DN khi có ý định đầu tư vào mảng này quan ngại sự chênh lệch về thuế suất sẽ càng làm rõ sự cách biệt về giá thành giữa hàng hóa trong nước và hàng nhập khẩu, trong khi về chất lượng, sản phẩm cơ khí nội vẫn chưa được khẳng định rõ, chưa nói gì đến việc xây dựng thương hiệu.
Bàn về vấn đề này, ông Lê Văn Khương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Cơ khí xây dựng (Coma) cho rằng, khó khăn là do ngành cơ khí chưa phát triển được một số DN “đầu tàu” trong lĩnh vực chế tạo, dẫn đến tình trạng thiếu định hướng, thiếu tập trung trong phát triển. Các DN cơ khí chủ yếu là DNNVV, điều kiện tài chính khó khăn nên chưa có khả năng tích lũy nhiều về tài chính cũng như công nghệ.
Ngoài ra, các sản phẩm chính của ngành hiện nay vẫn chủ yếu là gia công, giá trị kinh tế thấp, sản xuất trên dây chuyền, nhà máy cũ, phần lớn máy móc, thiết bị, nguồn nguyên liệu đều phải nhập khẩu, lại phải nhập từng phần, không đồng bộ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm...
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu chiến lược và Chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), cả nước có 14.800 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm cơ khí, nhưng chỉ có gần 100 DN có quy mô vốn hơn 500 tỷ đồng.
Trước đó, để phần nào hỗ trợ cho các DN cơ khí trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, UBND thành phố ra Quyết định số 15 ngày 16/3/2017 quy định về hỗ trợ DN đầu tư, sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, các DN trong nước khi đầu tư phát triển dự án thuộc 4 ngành trọng yếu (cơ khí, hóa chất nhựa - cao su, chế biến lương thực thực phẩm, điện tử - công nghệ thông tin) sẽ được hỗ trợ vốn vay ưu đãi lên đến 200 tỷ đồng/dự án.
Mức lãi suất hỗ trợ theo thực tế nhưng không quá mức lãi suất huy động tiết kiệm bằng tiền đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng bình quân của 4 NHTM trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (gồm VietinBank, BIDV, Agribank, Vietcombank). Tuy nhiên, điều này chỉ phần nào giảm bớt được khó khăn về vốn cho một số DN ngành cơ khí quy mô lớn, có thực sự và đầu ra ổn định, những DN quy mô nhỏ vẫn khó tiếp cận nguồn vốn này.