Cần cú huých cho ngành công nghiệp cơ khí
Ngành cơ khí yếu và thiếu sức cạnh tranh | |
Tìm giải pháp vực dậy ngành cơ khí | |
Niềm tin ô tô Việt |
Theo các chuyên gia cơ khí, khó khăn chính của việc phát triển lĩnh vực cơ khí chế tạo phục vụ ngành xây dựng Việt Nam là do chưa phát triển được một số ngành mũi nhọn trong chế tạo cơ khí dẫn đến tình trạng thiếu định hướng, thiếu tập trung trong phát triển ngành.
Việt Nam có thể trở thành một trung tâm chế biến và chế tạo của thế giới |
Các DN cơ khí của nước ta chủ yếu là DNNVV, điều kiện tài chính khó khăn nên chưa có tích lũy nhiều về tài chính cũng như công nghệ nên rất cần có sự liên kết, phối hợp giữa các DN với nhau và phối hợp với DN nước ngoài để chia sẻ vốn đầu tư và học hỏi kinh nghiệm cũng như tiếp nhận việc chuyển giao công nghệ.
Ngoài ra, các sản phẩm chính của ngành hiện nay vẫn chủ yếu là gia công, giá trị kinh tế thấp, sản xuất trên dây chuyền, nhà máy cũ, phần lớn máy móc, thiết bị đều phải nhập từ bên ngoài không đồng bộ, thiếu nguồn nguyên liệu... khiến các DN phải thường xuyên sản xuất trong tình trạng bị động, năng suất, chất lượng không cao, sản phẩm nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Hiện nay sản xuất máy móc thiết bị phục vụ ngành xây dựng trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu trong nước, làm cho nhiều DN trở nên bị động, tiêu tốn một lượng lớn ngoại tệ cho việc nhập khẩu thiết bị và sản phẩm cơ khí.
Ông Đào Phan Long - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng, mục tiêu đến năm 2020 đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp là khó hoàn thành như thời hạn vì nhiều nguyên nhân. Nhưng có lẽ nguyên nhân chủ yếu là việc Nhà nước đưa ra các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, các chính sách đầu tư, tài chính, ngân hàng, quy hoạch, kế hoạch trung dài hạn, tổ chức bộ máy quản lý kinh tế-xã hội của nhà nước chưa đồng bộ vì chưa mang đầy đủ nội hàm “kinh tế thị trường hoàn chỉnh”. Đây cũng là lẽ đương nhiên vì Việt Nam phải chuyển đổi một nền kinh tế - xã hội do lịch sử để lại sang một nền kinh tế mở liên kết với kinh tế thế giới.
Vì vậy để Việt Nam tiếp tục thực hiện sự nghiệp CNH-HĐH thành công trong giai đoạn 10, 15 năm tới, những vấn đề cơ bản trong xây dựng phát triển kinh tế công nghiệp nói chung và ngành công nghiệp cơ khí luyện kim nói riêng trong điều kiện Việt Nam đã cam kết với quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do càng cần thiết được làm sáng tỏ.
Đồng tình với quan điểm này, một số chuyên gia cơ khí cũng cho rằng, khi chúng ta quyết định thực hiện sự nghiệp: “Đến năm 2020 cơ bản đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại” thì nội hàm này cần phải được nghiên cứu nghiêm túc mới có thể đưa ra những quyết sách thực hiện thành công.
Một số ý kiến khác thì đề nghị chúng ta làm rõ vấn đề là để một đất nước nông nghiệp lạc hậu, hiện vẫn còn hơn 60% nông dân, có địa chính trị quan trọng của khu vực và đã mở cửa giao thương với quốc tế thông qua các hiệp định thương mại đã ký, thì Việt Nam sẽ xây dựng các bước đi thích hợp như thế nào để từng bước tiến hành thực hiện công nghiệp hóa thành công…
Một số quan điểm lại đề nghị làm rõ nội hàm rằng đến khi Việt Nam được quốc tế ghi nhận là nước công nghiệp, là một trung tâm chế tạo mới thì lúc đó tiềm lực và sản phẩm chính của ngành sản xuất chế tạo cơ khí Việt Nam nói riêng sẽ như thế nào.
Ông Long cho rằng, chúng ta cần thiết có cái nhìn tổng quát về hiện trạng của cơ khí chế tạo Việt Nam 15 năm qua trong bối cảnh Nhà nước đã dành nguồn lực đầu tư cho cơ khí, luyện kim thấp hơn những ngành kinh tế, công nghiệp khác (như ngành điện, giao thông, viễn thông, nông nghiệp). Điều này đã dẫn tới năng suất lao động, chất lượng sản phẩm của các ngành công nghiệp cơ khí yếu kém hơn. Hậu quả là hàng năm giá trị nhập siêu thiết bị, công nghệ của Việt Nam tăng vọt.
Cơ khí luyện kim phát triển “tự phát” và “cát cứ” không theo một quy hoạch tổng thể của nhà nước mà để cho từng ngành, từng địa phương thực hiện theo mục tiêu riêng rẽ… Chính điều này đã khiến lĩnh vực này bị phân tán nguồn lực và không thể hợp tác trong sản xuất, nghiên cứu cũng như đào tạo nguồn nhân lực chung cho toàn ngành, trái với bản chất sản xuất cơ khí có hiệu quả.
Cũng theo ông Long, ý tưởng để “Việt Nam trong 10, 15 năm tới có thể trở thành một trung tâm chế biến và chế tạo của thế giới” là một ý tưởng rất “táo bạo”, tuy nhiên để trở thành trung tâm chế tạo theo nghĩa chế tạo các sản phẩm phụ trợ, làm hàng gia công cho quốc tế mới chỉ là một phần của một nước công nghiệp.
Vì vậy bên cạnh việc xây dựng Việt Nam thành một Trung tâm chế tạo của thế giới, Việt Nam phải tự lực thực hiện xây dựng công nghiệp cơ khí của riêng mình để đảm bảo tự chủ và an ninh quốc phòng. Muốn vậy, Nhà nước vẫn cần lựa chọn đầu tư, xây dựng phát triển một số sản phẩm cơ khí trọng điểm đủ sức cạnh tranh quốc tế, để luôn bắt kịp quá trình đổi mới sản xuất, khoa học công nghệ và nhu cầu thị trường toàn cầu.