Nâng cao năng lực cho DN nhỏ
Giá trị của… nhỏ
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, Phó tổng giám đốc ABBank, DNNVV là khách hàng trọng tâm, chiếm tỷ trọng 95% trong tổng số khách hàng là DN của NH hiện nay. NH này cũng đặt mục tiêu nâng thị phần cho vay khu vực này trong tổng dư nợ cho vay DN lên tới 60%, từ mức hơn 40% hiện tại. Không dừng lại ở đó, ABBank cho biết đang đẩy mạnh cung cấp thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ đặc biệt dành cho DNNVV như tiền gửi, tiền vay, quản lý tiền tệ, thanh toán quốc tế, bảo lãnh.
Theo số liệu từ báo cáo tài chính, phân khúc DNNVV của VPBank cũng đang phát triển với tốc độ “chóng mặt”. Dư nợ cho vay vào khối DN này năm 2014 chiếm đến 94% dư nợ cho vay khách hàng DN vào cuối năm 2013. Nếu so với tổng dư nợ cho vay cá nhân và DN, cho vay DNNVV tại VPBank chiếm tới 42%. NH này cũng đang coi mảng DNNVV là chiến lược trong lộ trình 5 năm tăng trưởng tiếp theo.
Cơ hội tiếp cận vốn của DNNVV tăng cao |
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Sacombank cho biết, trong năm 2014, chỉ riêng những DNNVV của NH này đã ký kết hỗ trợ nguồn vốn hơn 4.740 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 7%/năm. Việc cho vay DNNVV rất tiềm năng nên ngày càng có nhiều NH tập trung vào loại hình DN này, bởi so với các DN lớn mức độ cho vay DNNVV khá ổn định, giảm rủi ro các khoản vay, quay vòng vốn nhanh. Ngoài ra, hệ số ROA của dịch vụ DNNVV cao hơn, lợi nhuận cũng lớn hơn so với các hoạt động khác của NH.
Không dừng lại ở hỗ trợ lãi suất
Mặc dù nhiều NH đặt mục tiêu kinh doanh vào các DNNVV, nhưng một số lãnh đạo NH còn e ngại, cho vay vào khu vực DN này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro nợ xấu rất lớn, do nền tảng quản trị và tài chính của họ yếu.
Thừa nhận điều này, bà Nguyễn Thị Ngọc Mai cho biết, tỷ lệ nợ xấu trong phân khúc DNNVV của NH là có, song nó vẫn nằm ở mức độ kiểm soát và ABBank không cho đó là rào cản. Đó là lý do vì sao NH vẫn kiên định chọn loại hình DN này làm khách hàng chính trong quá trình tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro nợ xấu, NH đang đẩy nhanh tiến trình thâm nhập sâu vào cơ cấu quản trị của DN để nâng cao năng lực SME. Như đã nói ở trên, ABBank kết hợp với IFC thực hiện dự án “Nâng cao năng lực cạnh tranh phân khúc khách hàng DNNVV”.
Dự án tập trung vào một số nội dung chính như: xây dựng phân khúc DNNVV chuẩn tại ABBank, ban hành các chính sách, sản phẩm dịch vụ hỗ trợ tín dụng, hạn chế rủi ro dành cho khách hàng DNNVV; đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, phát triển các công cụ, chính sách phục vụ cho công tác tiếp cận khách hàng của nhân viên ABBank.
Cũng nhằm mục đích nâng cao năng lực của khách hàng DNNVV, ACB vừa ký kết với Công ty TNHH JCB International (Nhật Bản) để hoàn thiện một số dịch vụ, sản phẩm liên quan đến việc cho vay qua thẻ. Theo bà Nguyễn Thị Hai, Phó tổng giám đốc ACB, hợp tác này còn nhằm nâng tầm một số quy chuẩn về dịch vụ để cung cấp cho DN trong việc vay vốn ngắn hạn qua thẻ.
“Ở Nhật, trong suốt thời kỳ tăng trưởng cao của nền kinh tế, chính quyền nước này thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ cho DNNVV, trong đó có những dịch vụ liên quan đến việc tài trợ cho DNNVV bằng bảo lãnh tín dụng... rất hiệu quả”, bà Hai chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Minh Tâm, Sacombank vừa được nhiều định chế tài chính quốc tế tư vấn tập trung cung cấp dịch vụ cho DNNVV theo hướng tài trợ thương mại. Đơn cử, NH giúp DN nhận biết khi xây dựng chiến lược kinh doanh phải tính đến vùng an toàn trong kinh doanh, hạn chế rủi ro tới mức tối thiểu. Phải có trích lập dự phòng trong mỗi phương án kinh doanh và tính được những khoản phát sinh lãi suất nhất định…
Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế cho rằng, tỷ lệ rủi ro của DNNVV sẽ cao hơn hẳn so với DN lớn vì phần lớn những tài sản đảm bảo nợ vay của DNNVV không nhiều, chưa kể mục đích sử dụng vốn của các DNNVV hiện chưa tạo niềm tin cho NH.