Kỳ vọng đẩy nhanh xử lý nợ xấu
Vì sao phải cấp bách xử lý nợ xấu? | |
Giải quyết căn bản thị trường mua bán nợ | |
Xử lý nợ xấu là vấn đề cấp bách |
Diễn biến thực tiễn thuận lợi
Kỳ vọng đẩy nhanh xử lý nợ xấu khi Nghị quyết về xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua là rất có cơ sở.
Bởi theo các chuyên gia, thứ nhất, đứng ở góc độ DN từng có nợ xấu, thời gian qua theo ghi nhận của phóng viên Thời báo Ngân hàng, đã có nhiều công ty tư nhân muốn mua đã liên hệ với VAMC để đàm phán mua lại các khoản nợ trị giá hàng trăm tỷ đồng của mình mà trước đó TCTD cho vay đã bán cho VAMC. Khi tiếp xúc, các DN nêu trên yêu cầu giữ bí mật danh tính. Tuy nhiên, động cơ họ muốn mua lại nợ thì có thể hiểu: Lúc trước họ gặp khó khăn phải thế chấp BĐS “vị trí vàng” để vay nợ. Hiện nay, hoạt động kinh doanh phục hồi, họ muốn mua lại trực tiếp tài sản thế chấp là khoản nợ xấu đã bán cho VAMC.
Thị trường mua bán nợ được tạo lập sẽ giúp các ngân hàng giảm áp lực nguồn vốn |
Trường hợp DN muốn mua lại nợ xấu từ VAMC như trên không phải là hiếm, nhưng rõ ràng ý muốn của DN hiện chưa thể thực hiện được. Bởi pháp lý mua bán nợ đến thời điểm hiện nay chưa cho phép VAMC bán lại nợ xấu cho các cá nhân, pháp nhân không phải là NHTM hoặc không có chức năng kinh doanh mua bán nợ.
Như thế, nếu Nghị quyết về nợ xấu được thông qua, các pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ sẽ có cơ hội mua lại nợ từ VAMC và các NHTM. Không loại trừ trường hợp chính DN gây ra nợ xấu mua lại khoản nợ của mình dưới giá trị ghi sổ để lấy lại tài sản đảm bảo nợ vay trước đó.
Thứ hai, đứng từ góc độ NHTM, đến thời điểm hiện nay đã có hai NH (Vietcombank và VIB) mua lại toàn bộ các khoản nợ xấu trước đó đã bán cho VAMC. Nhiều NH khác như SCB, OCB, VPBank, MB… cũng đã rậm rịch mua lại những khoản nợ đã bán cho VAMC để tự xử lý.
Ghi nhận trên các trang thương mại bất động sản (BĐS), sau khi mua lại các khoản nợ xấu từ VAMC, nhiều NHTM đã tự đẩy nhanh quá trình thanh lý tài sản đảm bảo nợ vay đã quá hạn bằng cách rao bán hàng loạt đất nền. Chẳng hạn, VIB mới đây thông báo rao bán hơn 30 đất nền khu vực Bình Dương; VPBank, MB, Agribank… cũng lần lượt đăng thông báo thanh lý nhiều lô đất nền khu vực ven TP.HCM để thu hồi nợ xấu.
Tuy nhiên, khi pháp lý chưa cho phép TCTD bán nợ xấu dưới giá trị ghi sổ, các NHTM vẫn chưa dám mạnh dạn thanh lý nợ xấu và tài sản đảm bảo nợ vay. Vì thế, khi Nghị quyết về xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua, chắc chắn hoạt động bán lại nợ xấu để chuyển nhượng quyền thanh lý tài sản đảm bảo sẽ trở nên sôi động. Các DN tư nhân có tiềm lực tài chính mạnh chắc chắn sẽ tham gia mua nợ xấu để sở hữu quyền sử dụng tài sản đảm bảo nợ vay, phục vụ hoạt động kinh doanh.
Các “nút thắt” chính sẽ được gỡ
Theo NHNN, hiện nay những vướng mắc lớn nhất trong hoạt động xử lý nợ xấu chính là các nút thắt pháp lý về: quyền thu giữ tài sản, quyền nhận tài sản đảm bảo.
Từ phía VAMC và các TCTD, theo Bộ luật Dân sự 2015, các đơn vị này không có quyền thu giữ tài sản. Một khi chủ tài sản (DN vay vốn gây ra nợ xấu hoặc người liên quan) không đồng thuận, khởi kiện ra tòa án thì các đơn vị buộc phải chờ quyết định của tòa, sau đó mới có thể thu giữ tài sản đảm bảo và thực hiện thanh lý.
Tuy nhiên, TS. Võ Trí Hảo (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng nếu Nghị quyết được Quốc hội thông qua thì nút thắt quan trọng này sẽ được tháo gỡ vì dự thảo Nghị quyết này đã trao quyền thu giữ tài sản đảm bảo nợ cho các TCTD. Từ quy định này sẽ giúp các TCTD rút ngắn thời gian thu hồi nợ, giảm thiểu tình trạng chây ì của người vay nợ.
Trong khi đó, theo Luật Đất đai 2013 (các Điều 174, 175, 176), hiện nay VAMC không được nhận thế chấp quyền sử dụng đất. Các cá nhân, tổ chức không phải là TCTD khi mua lại nợ xấu từ VAMC cũng không được quyền nhận thế chấp là quyền sử dụng đất. Điều này khiến cho việc mua bán nợ xấu giữa VAMC và các cá nhân, pháp nhân không phải là TCTD trở nên khó khăn. Bởi các DN nếu muốn bổ sung tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất thì VAMC cũng không nhận được. Ngược lại, nếu VAMC bán nợ cho các DN tư nhân thì bên mua cũng không thể nhận tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất – vốn là mục tiêu mà DN mua nợ hướng tới trong giao dịch.
Thế nhưng, nếu Nghị quyết được thông qua, việc nhận tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất sẽ không còn là vướng mắc nữa. Bên bán nợ xấu (VAMC, TCTD) sẽ được đăng ký thay đổi nội dung đăng ký thế chấp khi nhận bổ sung tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của khoản nợ đã mua. Trong khi đó bên mua nợ xấu (cá nhân, pháp nhân không phải TCTD) cũng sẽ được kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên bán, tức là được quyền nhận tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
Ngoài 2 nút thắt lớn trên, một nút thắt quan trọng khác cũng sẽ được tháo gỡ nếu Nghị quyết được thông qua đó là nút thắt về quyền xử lý tài sản đảm bảo là dự án BĐS. Bởi thực tế hiện nay, luật pháp cho phép thế chấp tài sản BĐS hình thành trong tương lai khi vay vốn NH. Nhưng nếu khoản vay xảy ra nợ xấu thì các NHTM không thể xử lý, chuyển nhượng được các tài sản đảm bảo dạng này (theo quy định tại Điều 49 – Luật Kinh doanh BĐS 2014).
Vì vậy việc dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu cho phép các TCTD được chuyển nhượng các dự án BĐS chưa hình thành (bao gồm: các dự án đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; các dự án không bị kê biên để thi hành án; các dự án không có quyết định thu hồi của cơ quan Nhà nước…); đồng thời cho phép bên nhận chuyển nhượng (bên mua nợ xấu) được kế thừa các quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án và tiếp tục thực hiện dự án sẽ kích thích mạnh mẽ các DN tư nhân tham gia mua nợ xấu để đổi lại quyền đầu tư các dự án BĐS dang dở trong bối cảnh thị trường BĐS ấm lên thời gian qua.