Ngân hàng bứt phá để về đích
Tăng trưởng tín dụng trong cân đối vĩ mô | |
Đến 23/8, tín dụng tăng 9,09%, hỗ trợ hiệu quả cho tăng trưởng | |
Tín dụng và tăng trưởng kinh tế |
Theo thông tin từ vụ chức năng NHNN, đến 31/8/2016 tín dụng tăng 9,67%. Hoạt động tín dụng có sự cải thiện rõ nét góp phần đưa kết quả hoạt động kinh doanh của một số NH trong những tháng qua có nhiều điểm sáng. Nhưng điều này không xảy ra ở tất cả các TCTD. Vẫn có những NH tăng trưởng tín dụng âm trong những tháng qua. Quý IV - mùa vụ kinh doanh cuối năm, áp lực về lợi nhuận liệu có là động lực để các nhà băng bứt phá?
Nhìn vào kết quả kinh doanh hết quý II/2016 của các NHTM có thể nhận thấy sự phân hoá khá rõ nét. Trong tổng thể bức tranh về lợi nhuận, không ít những gam màu sáng như VietinBank, BIDV, Vietcombank có mức tăng trung bình 10,08%. Hay Techcombank báo lãi lớn khi tăng 27% so với quý II/2015...
Nhưng không phải NH nào cũng được tận hưởng niềm vui này. Một số NH đã ghi nhận tăng trưởng sụt giảm như Kienlongbank giảm 8,5% lợi nhuận so với cùng kỳ; ABBank, TPBank giảm đến 40% lợi nhuận so với cùng kỳ. Thậm chí Eximbank ghi nhận dư nợ tín dụng âm đến 4,62% so với đầu năm.
NH phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng để có lợi nhuận thực chất |
Chỉ chưa đầy 4 tháng nữa là năm 2016 kết thúc. Dù diễn biến thị trường tài chính luôn khó đoán định, nhưng về cơ bản, cuối năm vẫn là thời điểm mùa vụ để các NH chạy nước rút về đích để đạt chỉ tiêu đề ra. Các chuyên gia nhận định: xét trên tình hình thực tế hoạt động kinh doanh của đơn vị mình những tháng qua, các NH đều cần có sự điều chỉnh phù hợp để lái NH đi đúng hướng mục tiêu. Gần đây, thị trường cũng đã ghi nhận việc tăng lãi suất huy động (LSHĐ) ở một số NH.
Từ ngày 1/9, VPBank tăng từ 0,1 đến 0,3% LSHĐ các kỳ hạn 1 tháng đến 3 tháng. Kỳ hạn 13 và 15 tháng ở NH này còn được điều chỉnh lên 7%/năm. Viet Capital Bank tăng 7% lên 7,1%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 6 tháng; 7,5%/năm lên 7,8%/năm với kỳ hạn 13 tháng. LSHĐ kỳ hạn 18 tháng của NH này đã là 8,2%/năm – mức cao nhất trên thị trường hiện nay… Mục đích tăng LSHĐ của mỗi NH là khác nhau và chỉ mang tính cục bộ. Song đây là một trong những dấu hiệu cho thấy NH đang tích cực chuẩn bị cho vụ mùa cuối năm.
Trao đổi với phóng viên Thời báo NH, lãnh đạo một NHTM nhận định, LSHĐ tăng mới chỉ diễn ra ở những NH có quy mô nhỏ, trung bình chứ chưa phải là xu hướng. Và việc các NH tăng nhẹ LSHĐ để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư, bổ sung vào nguồn vốn của NH, phục vụ cho nhu cầu vay vốn của DN ở giai đoạn cuối năm là điều bình thường. Vị này cũng cho rằng, lo lắng LSHĐ tăng ảnh hưởng tới LSCV tăng là chưa có căn cứ. Cùng chung quan điểm, các chuyên gia cũng thấy việc tăng LSHĐ để kích thích nguồn vốn cuối năm là chuyện đến hẹn lại lên.
Theo ông Nguyễn Đức Long, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), 8 tháng đầu năm LSHĐ cơ bản được giữ ổn định. LSHĐ trong hai tháng đầu năm không thay đổi nhiều so với cuối năm 2015; có xu hướng tăng nhẹ 0,2 - 0,3 từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 3/2016. Sau đó từ tháng 5/2016 trở lại đây, có TCTD tăng LSHĐ nhưng cũng có TCTD giảm, xu hướng nhìn chung là ổn định.
Thêm nữa, với năm nay, nguyên nhân tăng LSHĐ một phần cũng bắt nguồn từ việc các nhà băng phải cơ cấu lại kỳ hạn nguồn vốn nhằm đáp ứng các quy định của Thông tư 06 (Thông tư 36 sửa đổi) về giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động TCTD.
Theo ý kiến của một chuyên gia tài chính, những tháng cuối năm áp lực hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận với các NH hiện nay là có, nhưng không phải quá nặng nề. Vì cái quan trọng là có được lợi nhuận thực chất mới đem lại sự bứt phá và bền vững cho NH chứ không phải chỉ đơn thuần là những con số.
Việc trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ sẽ phản ánh khá chính xác lợi nhuận thực của NH, nếu bỏ qua hoặc xem nhẹ bước này, NH sẽ rất dễ dẫn tới hậu quả khó lường. Các chuyên gia cho rằng các TCTD, đặc biệt với đội ngũ lãnh đạo NH phải hình thành cho được “văn hoá quản lý rủi ro”. Rủi ro về tín dụng đặt ra các yêu cầu trong cơ cấu, chỉ tiêu và chất lượng tín dụng phải được kiểm soát một cách chặt chẽ.
Lãnh đạo một NHTMCP cho biết, việc tăng cường huy động vốn với kỳ hạn dài là điều cần thiết. Bởi việc này sẽ giúp cho các NH hạn chế được rủi ro kỳ hạn khi cho vay đầu tư bất động sản, NH cũng sẽ chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh.
Tính tới 31/7/2016, tín dụng trung - dài hạn tăng 6,79% - thấp hơn mức tăng của tín dụng chung nền kinh tế là 8,54%, chiếm tỷ trọng khoảng 8,3% - cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Theo nhận định từ Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), hiện nay việc tăng trưởng tín dụng vào các phân khúc bất động sản có chiều hướng tăng chậm lại, khá an toàn, phù hợp với chủ trương của NHNN thời gian qua.