Tăng trưởng tín dụng trong cân đối vĩ mô
Đến 23/8, tín dụng tăng 9,09%, hỗ trợ hiệu quả cho tăng trưởng | |
Sự thận trọng TTTD là cần thiết | |
Tín dụng và tăng trưởng kinh tế |
Tổng giám đốc một NHTM cho biết, năm ngoái qua quý III, NHNN duyệt cho 6 TCTD (VietinBank, Vietcombank, SeABank, TPBank và hai NH ngoại Standard Chartered, Korea Exchange) điều chỉnh tăng thêm tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cả năm. Trong khi đó, đến thời điểm này chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của từng NH vẫn giữ nguyên và mức tăng trưởng tín dụng 18-20% cho toàn ngành NH đang diễn ra khá suôn sẻ.
Tín dụng lại vào mùa
Chủ một DN chế biến thủy sản ở An Giang cho biết, công ty này đang tranh thủ lãi suất vay vốn ngoại tệ trong NH với lãi suất 2%/năm để có tiền thanh toán cho nông dân thu gom sản phẩm cá basa. Hiện nay DN này đang tập trung làm thêm phụ phẩm từ cá basa như mỡ sơ chế xuất khẩu sang Trung Quốc để họ làm nguyên liệu cho ngành hóa mỹ phẩm. Cá viên làm từ bao tử cá basa đang trong quá trình thành phẩm để xuất khẩu đến một số nước châu Âu cho mùa Noel và Tết Dương lịch.
Bên cạnh những sản phẩm phile cá basa thời gian qua nhiều DN chế biến cá xuất khẩu đã phát triển thêm những sản phẩm một thời được coi là phụ phẩm nhưng hiện đóng góp đến 20% tổng kim ngạch xuất khẩu DN.
Các chuyên gia tài chính nhìn nhận, tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm 2016 nhanh hơn tăng trưởng GDP so với cùng kỳ |
Nhiều công ty chế biến tôm, cá, cà phê… cũng đang tăng tốc làm hàng hóa phục vụ mùa vụ cuối năm cho các quốc gia đón năm mới. Ông Nguyễn Thành Long, Giám đốc một công ty chế biến điều ở Bà Rịa – Vũng Tàu nói, quy luật mùa vụ cuối năm của các nhà xuất khẩu bao giờ cũng đến từ tháng 8 hàng năm. Theo đó các nhà máy bắt đầu sản xuất chuẩn bị giao hàng cho kỳ nghỉ lễ ở các thị trường Mỹ, EU, Australia…
“Thực tế là kinh tế dù có khó khăn đến cỡ nào thì người tiêu dùng ở các quốc gia vẫn không thể từ bỏ mua những mặt hàng thiết yếu tiêu dùng trong đời sống hàng ngày. Người ta có thể ngừng sắm một chiếc điện thoại, tivi, xe hơi chứ không ai có thể nhịn ăn, nhịn uống vì kinh tế khó khăn. Ông Long cho rằng, hầu hết các DN xuất khẩu hiện đang rất hài lòng với mức tỷ giá VND/USD và họ đều vay ngoại tệ để tranh thủ lãi suất thấp làm hàng xuất khẩu cuối năm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Bảo, chủ một DN chế biến cà phê ở Đồng Nai cho rằng, hiện nay các NHTM đang bán ngoại tệ cho DN bằng hợp đồng kỳ hạn. Với bộ chứng từ xuất khẩu các DN có thể được mua ngoại tệ với tỷ lệ 100% mà không bị cắt bớt nếu công ty xuất khẩu cà phê vào các thị trường ít rủi ro trong thanh toán quốc tế như EU và Mỹ.
Tuy nhiên, để được NHTM chiều chuộng như DN của ông Bảo, phía DN cũng đã có một quá trình quan hệ với NH khá tốt, nhất là trong uy tín trả nợ đúng hạn. “Một số quan điểm đang hiểu DN đưa dòng tiền cho NH quản lý sẽ thuận lợi và được NH cho vay vốn không cần tài sản đảm bảo. Nhưng thực tế không hẳn cứ dòng tiền là đảm bảo nợ vay. Dòng tiền là gì? Chính là các bộ chứng từ của phía nhà nhập khẩu đối với DN xuất khẩu, vẫn có thể xảy ra tình trạng không thanh toán nếu DN Việt không khảo sát tốt thị trường nơi mình xuất khẩu hàng hóa đến” – ông Bảo nói thêm
Cầm cương tín dụng
Tăng trưởng tín dụng NH năm nay được những người làm NH cho rằng không có những cú tăng bất thường mà được các TCTD đưa vốn ra đều đặn ngay từ đầu năm. Tuy nhiên yếu tố mùa vụ cũng không phải không cân nhắc đến, nhất là đối với nền kinh tế đặc thù của Việt Nam nên nhu cầu vốn rất có thể sẽ tăng nhanh vào các tháng cuối năm nay.
Một số NHTM ở TP.HCM cho biết, tăng trưởng tín dụng của NH họ từ đầu năm đến nay có đóng góp đáng kể của những người dân vay vốn mua nhà để ở. Song, các dịch vụ tăng thêm trong phát hành thẻ tín dụng cũng đang khuyến khích mảng cho vay tiêu dùng với chi phí thấp của các NHTM. Điều này cho thấy đã qua cái thời NH đi săn dự án lớn, DN to để cho vay vốn.
Trong một lần trao đổi với ông Phạm Linh, người đã tham gia điều hành ở một số NHTM tại TP.HCM, cho biết “phần lớn các NH quy mô nhỏ hiện nay cho vay nhỏ lẻ đang đi tìm người vay tốt có khả năng thanh toán nợ đúng hạn chứ không quan trọng khách hàng lớn hay nhỏ”.
Các chuyên gia tài chính nhìn nhận, tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm 2016 nhanh hơn tăng trưởng GDP so với cùng kỳ. Cùng với đó lạm phát trong thời gian đó cũng tăng làm xuất hiện nỗi lo hiệu quả chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, con số thống kê cho thấy qua tháng 7 và tháng 8 vừa qua, lạm phát cơ bản dao động quanh mức 1,41% đến 1,9%, bình quân 8 tháng đầu năm 2016 ở mức 1,81%.
Trong khi đó NHNN cũng thống kê lãi suất huy động ở một số NHTM trong 8 tháng qua có tăng ở các kỳ hạn 2 tháng và 3 tháng. Thực tế, nhà điều hành chính sách tiền tệ có 3 công cụ chính để thực hiện là lãi suất, tỷ giá và tăng trưởng tín dụng để đảm bảo các cân đối vĩ mô.
Thế nhưng trong bối cảnh nửa đầu năm nay giá một số dịch vụ công như y tế và các mặt hàng tăng giá. Về bản chất lãi suất và tỷ giá phải theo yếu tố thị trường đòi hỏi nghệ thuật điều hành. Chỉ còn tín dụng nằm trong thế chủ động của nhà điều hành trong các cân đối vĩ mô, điểm này rất khác biệt với việc TCTD luôn luôn muốn tăng trưởng tín dụng cao.