Ngân hàng không chủ quan với lạm phát
Việc đặt mục tiêu lãi suất chênh 2-3% với lạm phát sẽ rất khó điều hành | |
Điều hành CSTT đã góp phần tích cực kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng | |
Kiểm soát lạm phát đã chủ động hơn |
Tín dụng vẫn là kênh quan trọng
Thảo luận tại Phiên họp của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cuối tuần qua nhằm chuẩn bị báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2016; phương hướng, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017 tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đã đánh giá về lĩnh vực điều hành CSTT và hoạt động NH; vấn đề tái cơ cấu, xử lý nợ xấu.
8 tháng đầu năm 2016, đã xử lý được 58,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu là nhờ thu nợ từ các khách hàng |
Theo ông Đào Quang Thu – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, CSTT đã được điều hành chủ động, linh hoạt phối hợp với chính sách tài khóa, hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô để ổn định phát triển KT-XH. Mặt bằng lãi suất ổn định, có xu hướng giảm, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại hối tăng. Đánh giá nỗ lực của ngành NH trong thời gian qua, ông Dương Quốc Anh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị, NHNN cần cho biết thêm về tình hình xử lý nợ xấu trong thời gian vừa qua.
Ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, tái cơ cấu hệ thống có tiến bộ nhưng nợ xấu được giao cho VAMC xử lý vẫn chưa “thoát” ra được do còn khó khăn về cơ chế. Một số đại biểu cũng đặt vấn đề, tăng trưởng tín dụng mới đạt khoảng 11%, thì mục tiêu định hướng của NHNN đặt ra từ đầu năm là từ 18-20% liệu có đạt. Ông Lê Minh Chuẩn – ĐBQH đoàn Quảng Ninh còn đặt vấn đề, có nên điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chỉ khoảng 15-16%.
Trước các ý kiến, đại diện NHNN, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, cập nhật số liệu đến hết tháng 9/2016, tín dụng đã tăng ở mức 11,74%; trong khi, 9 tháng đầu năm 2015 tăng khoảng 11%. Như vậy, so với cùng kỳ, mức tăng này khả quan hơn.
Do giai đoạn cuối năm tín dụng thường tăng cao hơn so với những tháng đầu năm, (bình quân như các tháng trong năm trước cũng vào khoảng từ 2% đến trên 2%/tháng), Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, nhiều khả năng cả năm tăng trưởng tín dụng sẽ đạt được chỉ tiêu định hướng 18-20%.
Trước ý kiến cho rằng, tăng trưởng tín dụng đang ở mức quá cao và năm 2016 tín dụng nên ở mức 15 - 16%, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, đối với nội tại của nền kinh tế Việt Nam, thị trường vốn chưa phát triển nên nguồn vốn cho nền kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào vốn của ngân hàng. Chính vì vậy, nếu điều chỉnh tăng trưởng tín dụng ở mức 15% -16% e rằng DN sẽ kêu thiếu vốn. Đặc biệt, trong năm 2016, kênh giải ngân từ đầu tư công vẫn còn chậm, nên tín dụng vẫn là một kênh quan trọng.
Tiếp tục triển khai xử lý nợ xấu
Liên quan đến lạm phát và cung tiền, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN hoàn toàn đồng tình với đánh giá là lạm phát đang quay trở lại. Tuy nhiên, đến tháng 9, CPI mới tăng 3,14% so với cuối năm 2015, thể hiện sự chủ động của Chính phủ trong việc điều chỉnh giá các mặt hàng và các dịch vụ y tế, giáo dục năm 2016. Đối với lạm phát cơ bản, hiện nay, tháng 9 tăng 1,58% so với cuối năm 2015, nếu so với cùng kỳ thì tăng 1,85%, vẫn nằm trong dao động từ 1,5-1,9% như những tháng vừa qua.
Điều này cho thấy chính sách tiền tệ hiện nay cũng khá ổn định. Trong điều kiện lạm phát cơ bản như vậy, vẫn cho phép NHNN thực hiện một số giải pháp để hỗ trợ cho nền kinh tế trong thời gian qua, "tuy nhiên, trong điều hành, NHNN không chủ quan với diễn biến lạm phát", Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định. Theo đó, NHNN theo dõi rất sát số liệu cung ứng tiền để có những giải pháp điều hành phù hợp nếu lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại.
Đối với vấn đề xử lý nợ xấu, số liệu nợ xấu cập nhật đến tháng 8/2016 ở mức 2,66%, là mức thấp hơn mức 3% như mục tiêu đã đưa ra vào cuối năm 2015. Đáng chú ý, trong 8 tháng đầu năm 2016, đã xử lý được 58,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu xử lý được là nhờ thu nợ từ các khách hàng, cho thấy tín hiệu khả quan của nền kinh tế cũng giúp cho khách hàng có thể trả nợ được. Thứ hai là sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu cũng như bán các loại tài sản để thu hồi nợ.
Ngoài ra, từ đầu năm đến nay VAMC chỉ mua vào 16 nghìn tỷ đồng nợ xấu, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Đó cũng là một tín hiệu cho thấy đa số các TCTD đều có mức nợ xấu dưới 3% nên không có nợ xấu để bán cho VAMC.
“Vấn đề bây giờ là xử lý nợ xấu đã mua về VAMC”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ và cho biết thêm, trên thực tế, NHNN đã tiếp tục triển khai nhưng vấn đề xử lý nợ xấu đang gặp rất nhiều khó khăn về quy định pháp luật, vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo… Hiện nay, NHNN đang tiếp tục nghiên cứu để đưa những nội dung này trong Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 để trình lên các cấp.
Phát biểu tại Phiên họp, ông Phùng Quốc Hiển – Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, những ý kiến đóng góp, thảo luận tại phiên họp này có ý nghĩa quan trọng để Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện báo cáo để trình Kỳ họp thứ 2 tới đây. Với lĩnh vực NH, ông Hiển cho rằng, cần phải đặt ra vấn đề lãi suất, tỷ giá liệu có giữ được ổn định không khi mà lạm phát năm nay tăng hơn năm trước. Về xử lý nợ xấu, theo ông Hiển cần phải tiếp tục xử lý, trong đó cần có các giải pháp để không làm tăng thêm nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng.