Ngân hàng lưu động lên vùng cao: Bài 1: Gần dân để thấu hiểu
“Điểm giao dịch hôm nay là địa bàn xã Thiện Kỵ, một trong những xã xa nhất, cách trung tâm huyện trên 30km và đường lại rất khó đi, nên đoàn phải xuất phát sớm”, Nông Văn Dân giải thích.
i hết 3km từ thị trấn Hữu Lũng, xe bắt vào con đường liên huyện, lần hồi chồm lên những mô đất, chúi ổ gà… Con đường từng chặp qua những khúc đường dốc, đèo quanh, xuyên qua đồi núi chập chùng, khu dân cư thưa thớt...
Ngồi lắc lư trên xe chuyên dụng, ông Dân nói vui: Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trước đây có sáng tác bài Em đi làm tín dụng, có câu sương đêm chưa tan mà bước chân cán bộ đã lên đường, thật đúng với hình ảnh ô tô chuyên dụng đến với người dân như lúc này...
Dù đi bộ và đi xe ô tô là hai hoàn cảnh khác nhau, nhưng nỗi vất vả vẫn vậy, sau gần 50 năm. Chỉ 30km quãng đường từ trung tâm huyện đến xã, xe đi hết gần 2 giờ đồng hồ.
8 giờ sáng, trụ sở UBND xã Thiện Kỵ đã có 2 công an viên trực sẵn, hơn 10 người dân đến sớm từ các bản, làng trong xã cũng đang chờ để giao dịch.
Nông Văn Dân cùng 2 cán bộ tín dụng nhanh chóng “bày biện” không gian giao dịch trên xe chuyên dụng. Chỉ sau 10 phút dừng xe, đường dây điện, máy tính nối mạng… đã sẵn sàng và điểm giao dịch lưu động bắt đầu hoạt động.
Những khách hàng đầu tiên trong ngày được điểm giao dịch lưu động phục vụ |
Trưởng điểm giao dịch Nông Văn Dân vừa kiểm tra, rà soát chứng từ và phê duyệt giao dịch theo đúng quy trình nghiệp vụ, vừa trao đổi với khách hàng là một đôi vợ chồng về các dịch vụ đang được triển khai tại điểm ngân hàng lưu động này. Tiếng dân tộc Tày được ông Dân dùng trong giao dịch, khiến câu chuyện trở nên gần gũi...
Càng lúc, người đến giao dịch càng đông, những chiếc ghế được kê trong khuôn viên UBND xã Thiện Kỵ nhanh chóng trở thành nới giao lưu, trò chuyện của người dân.
Thật thú vị, ngay cả nhân viên bảo vệ và lái xe của đoàn cũng có thể trò chuyện thân mật với người dân, trực tiếp tuyên truyền, giải thích về các dịch vụ, tiện ích ngân hàng mà điểm giao dịch lưu động của Agribank Hữu Lũng đang triển khai.
Một chốc, những cán bộ nghiệp vụ không chuyên này đã truyền đạt đến khách hàng qua chiếc điện thoại của một chị nông dân về những dịch vụ ngân hàng, tiện ích hiện đại đến với bà con, thật khúc chiết và dễ hiểu.
Ông Vi Văn Toản, hiện ngụ tại thôn Gốc Sau mới nộp một khoản tiền vào tài khoản của mình. Ông khoe đầy phấn khởi: Nộp tiền xong là đã có ngay một tin nhắn vào điện thoại báo tiền đã vào tài khoản của mình.
Ông Toản cũng cho biết. Nhờ sử dụng dịch vụ Internet Banking nên hàng tháng ông có thể chuyển tiền cho cô con gái đang học ở Đại học Thái Nguyên mà không phải đến ngân hàng như trước đây.
Nắng đã lên cao, điểm giao dịch tạm nghỉ sau những khách hàng cá nhân cuối cùng của buổi sáng được phục vụ. Bữa cơm trưa đặt một gia đình cạnh Uỷ ban xã làm, với món rau rừng và thịt om trám, giờ trở nên ngon miệng lạ.
Ông Dân phân bua, có những điểm giao dịch ở địa bàn không thuận tiện thì cán bộ phải tự chuẩn bị đồ ăn trưa để đảm bảo không ảnh hưởng đến công việc...
Vào buổi chiều, lượng khách đến giao dịch cũng thưa dần. Phần lớn thời gian đoàn làm việc với các tổ trưởng tổ vay vốn của các thôn. Ngoài những công việc nghiệp vụ như đối chiếu, thu nợ, xem xét phê duyệt hồ sơ vay vốn mới của các thành viên trong tổ thì các cán bộ của điểm giao dịch con tranh thủ nắm bắt những thông tin về hoàn cảnh gia đình, công việc, về phát triển kinh tế chăn nuôi, trồng trọt của bà con trên địa bàn.
Ông Dân cho biết, thông qua các thông tin chia sẻ từ các tổ trưởng tổ vay vốn, chúng tôi nắm rõ được hoàn cảnh từng hộ có nhu cầu vay, qua đó những đồng vốn của ngân hàng “đi đúng nơi, về đúng chốn”.
Khoảng thời gian trên đường về trụ sở, các thành viên trong đoàn tiếp tục dành để trao đổi về thông tin được thu thập được, thảo luận ngay để trưởng điểm giao dịch dựa vào những thông tin đó đưa ra quyết định phê duyệt hồ sơ cho các khách hàng vay.
Phương thức làm việc sâu sát, lấy hiệu quả công việc làm thước đo của những cán bộ trong điểm giao dịch lưu động của Agribank Hữu Lũng được địa phương đánh giá là linh hoạt, phù hợp và trách nhiệm.
Giám đốc Agribank Hữu Lũng Dư Chấn Hưng cho biết: Ngay khi triển khai điểm ngân hàng lưu động, chúng tôi đã ý thức được tầm quan trong đồng thời là một cơ hội tốt để thực hiện mục tiêu mở rộng tín dụng và cung cấp dịch vụ ngân hàng tiện tích cho các hộ sản xuất và cá nhân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện.
Là người đứng đầu đơn vị, ông Hưng nói, tôi đã quyết định phải đưa những cán bộ có nghiệp vụ giỏi, đạo đức tốt và quan trọng nhất là phải có sức khoẻ để chịu được áp lực và đòi hỏi của công việc vất vả khi thường xuyên phải làm việc lưu động theo kịp đòi hỏi của điểm giao dịch tại vùng sâu, vùng xa.
Giám đốc Agribank Hữu Lũng chia sẻ thêm: Một điểm giao dịch lưu động được 5 biên chế nhưng trong thực tế, tất cả các thành viên kể cả lái xe và bảo vệ đều phải thông hiểu các dịch vụ nhằm tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân nắm bắt và sử dụng được các dịch vụ tiện ích mà điểm giao dịch lưu động triển khai.
Đặc thù của địa bàn huyện Hữu Lũng là một huyện miền núi có 7 dân tộc, chính vì thế các thanh viên trong biên chế của điểm giao dịch cần giao tiếp được các loại tiếng dân tộc, ít nhất là tiếng Tày và tiếng Nùng. Nói như bà con ở đây là “Cán bộ nó nói được cái tiếng của mình thì mình mới nghe cán bộ chứ”.
Đón đọc bài 2 phát sáng mai: Ngân hàng lưu động lên vùng cao: Mô hình hiệu quả cần nhân rộng