Ngân hàng mở rộng tăng trưởng đa hướng
Đầu xuôi, đuôi sẽ lọt | |
Hà Nội: Tín dụng 4 tháng ước tăng 3,62% | |
Nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu |
Trong 4 tháng đầu năm 2017 tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt mức kỷ lục 4,86%, cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Đạt mức tăng trưởng này, là do nhiều NHTM đã chuyển động theo hướng vừa duy trì tăng trưởng tín dụng mạnh phân khúc bán lẻ, vừa đẩy mạnh mua bán nợ xấu và tăng vốn điều lệ.
Ồ ạt lập công ty con
Cuối tháng 4/2017, Vietcombank thông báo, NH này sẽ thành lập thêm một NH con 100% vốn tại Lào và 3 công ty con (bao gồm: công ty kiều hối, công ty tài chính tiêu dùng và công ty mua bán nợ). Theo lãnh đạo Vietcombank hiện NHNN đã cấp phép cho đơn vị thành lập công ty kiều hối và NH con tại Lào. Riêng Công ty kiều hối Vietcombank sẽ đi vào hoạt động ngay trong các tháng cuối của quý II năm nay.
Việc Vietcombank thúc đẩy thành lập các công ty con để đẩy mạnh khai thác phân khúc tài chính tiêu dùng, kiều hối và mua bán nợ không có gì là bất thường trong bối cảnh hiện nay. Bởi năm 2017 kế hoạch tăng trưởng tín dụng của Vietcombank chỉ được đặt ra ở mức 15%, tức là thấp hơn 3% so với mức tăng trưởng tín dụng thực tế của đơn vị trong năm 2016.
Để đảm bảo mục tiêu lợi nhuận 9.200 tỷ đồng trong năm 2017, đơn vị dường như bắt buộc phải đẩy mạnh các mảng mua bán nợ và tài chính tiêu dùng, bởi trong năm nay dù không còn trái phiếu VAMC nhưng chi phí dự phòng cho nợ xấu của Vietcombank vẫn còn ở mức khoảng 6.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, với kế hoạch tăng trưởng huy động thấp hơn tăng trưởng tín dụng (chỉ ở mức 14%), nên nếu không đẩy mạnh phân khúc bán lẻ, dịch vụ thì tỷ lệ lãi cận biên (NIM) của Vietcombank sẽ khó cải thiện, nhất là trong bối cảnh lãi suất chịu nhiều sức ép từ bên ngoài.
Ảnh minh họa |
Quan sát trên thị trường, ngoài Vietcombank, trong 4 tháng đầu năm ít nhất đã có 5 NHTM khác đề xuất thành lập thêm các công ty kiều hối và công ty tài chính trực thuộc, đã được NHNN chấp thuận. Theo đó, cuối năm 2016, SHB đã hoàn tất thủ tục mua lại công ty tài chính Vinaconex. Thông tin từ SHB, từ quý III/2017 công ty tài chính nói trên sẽ bắt đầu ghi nhận doanh thu và dự kiến sẽ đạt khoảng 100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế vào cuối 2017.
Trong khi đó, giữa tháng 4/2017, BIDV cũng đã hoàn tất thủ tục thành lập công ty cho thuê tài chính BIDV-Sumi Trust với vốn điều lệ 895,6 tỷ đồng. ACB cũng đang xúc tiến thành lập mới công ty tài chính hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động của Công ty Cho thuê tài chính ACB Leasing sang công ty tài chính cho vay tiêu dùng.
Mới đây hơn, NHNN cũng đã cho phép BacABank và OCB thành lập 2 công ty kiều hối mới. Theo đó, Công ty Chuyển tiền quốc tế OCB có vốn điều lệ 25 tỷ đồng, kỳ vọng sẽ đạt doanh thu trên 4.100 tỷ đồng vào cuối năm 2017. Trong khi Công ty kiều hối của BacABank với vốn điều lệ 77 tỷ đồng, dự kiến sẽ cung cấp các dịch vụ chuyển kiều hối online và offline ngay trong các tháng giữa năm.
Tín dụng BĐS kén khách vay
Trong năm nay hầu hết các TCTD đều có chỉ tiêu tăng trưởng thấp hơn khá nhiều so với kết quả đạt được năm 2016 và thấp hơn chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn Ngành là 18%.
Việc chủ động hãm phanh tăng trưởng tín dụng đồng thời gia tăng mở rộng vốn điều lệ ở nhiều TCTD cho thấy các lo ngại liên quan đến hệ số an toàn vốn (CAR) và tỷ lệ dư nợ trên huy động (LDR) đã bắt đầu được cân nhắc ở nhiều NHTM.
Quan sát trên thực tế cho thấy, bước sang quý II/2017 một số TCTD đã có động thái chặt chẽ hơn để sàng lọc cho vay đối với các dự án, đặc biệt là các dự án BĐS.
Ghi nhận tại địa bàn TP.HCM, mặc dù dư nợ cho vay lĩnh vực kinh doanh BĐS đến tháng 4/2017 vẫn chiếm khoảng 10,8% tổng dư nợ tín dụng (tương đương 164.100 tỷ đồng). Tuy nhiên mức này đã giảm hơn so với mức bình quân 11,7-12% trong giai đoạn 2013-2015. Do bị hạn chế về tín dụng, trong tháng 4 vừa qua hàng loạt các DN BĐS đã phải tìm cách tự huy động vốn bằng phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu. Chẳng hạn CTCP Đất Xanh đã phát hành gần 33 triệu cổ phiếu, tăng thêm vốn điều lệ khoảng 329 tỷ đồng; Sacomreal cũng phát hành trên 15,9 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ lên 3.300 tỷ đồng…
Theo nhận định của TS. Bùi Quang Tín (Đại học NH TP.HCM) trong những tháng tới rất có thể chỉ có những DN BĐS có uy tín mới có thể tiếp tục vay được vốn NH. Ở phía các nhà băng cũng sẽ chỉ có những NH lớn và room tín dụng cho vay BĐS còn dư địa mới có thể tiếp tục cho vay. Đối với những DN yếu kém, có “sổ đen” về lừa đảo dự án, “treo đầu dê bán thịt chó”, chậm giao nhà cho người dân thì gần như không còn cửa tiếp cận vốn.
Đồng tình quan điểm này, một lãnh đạo NHTM tại TP.HCM cũng chia sẻ rằng, từ cuối năm 2016, NH này cũng đã nhận thấy cần phải kén chọn các dự án kỹ lưỡng, hạn chế những khách hàng có biểu hiện vay tay trái gửi tay phải. Bởi với mức tăng trưởng tín dụng cao như hiện nay, hầu như đơn vị không có sức ép trong việc đẩy mạnh tín dụng, trong khi chỉ tiêu tăng trưởng cả năm chỉ ở mức 16%.