Ngân hàng tích cực “may đo” sản phẩm cho DNNVV
Cho vay DNNVV có nhiều lợi điểm | |
DNNVV và khởi nghiệp đang đứng trước cơ hội lớn |
Các ngân hàng luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn cần thiết cho doanh nghiệp |
Vậy làm sao để DN - ngân hàng gặp nhau được nhiều hơn và dòng vốn chảy vào lĩnh vực này hiệu quả hơn? Để trả lời câu hỏi này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Lan Hương - Phó giám đốc khối khách hàng DN của TPBank.
Theo bà, có phải do không có tài sản thế chấp khiến cho DNNVV ngần ngại khi vay vốn ngân hàng? Ngân hàng có chính sách gì hỗ trợ cho DN?
Tôi thấy rằng, đối với các DNNVV ngay từ khi có ý định vay ngân hàng họ đã nghĩ mình sẽ gặp rất nhiều khó khăn mới có thể đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của ngân hàng, nhất là khi không có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, ở góc độ ngân hàng, tài sản đảm bảo chỉ là một trong những yếu tố khi xem xét cho DN vay. Điều đầu tiên khi xem xét cho vay, các ngân hàng bao giờ cũng quan tâm đến tình hình kinh doanh, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Do vậy, có thể thấy tài sản đảm bảo chỉ là yếu tố thứ yếu khi ngân hàng cấp tín dụng.
Tại TPBank cũng như vậy. Thời gian qua, TPBank đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho DNNVV cũng như các sản phẩm may đo riêng cho các DNNVV như sản phẩm cho vay dựa trên uy tín của DN, cho vay không có tài sản thế chấp dựa trên dòng tiền, hiệu quả cam kết DN với đối tác… Qua đó giúp các DN vượt qua khó khăn về việc thiếu tài sản đảm bảo khi vay vốn ngân hàng.
Vậy để tiếp cận các khoản vay trên của ngân hàng, DN cần phải làm gì?
Một trong những vấn đề quan trọng là DN phải cải thiện nền tảng kế toán tài chính bài bản, chuyên nghiệp hơn để đảm bảo ghi nhận hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN một cách chân thực phù hợp với thực tế. Đó là một trong những điều kiện tiên quyết mà ngân hàng thường xuyên xem xét để có thể cấp tín dụng cho các DN.
Còn đối với DN khởi nghiệp, dù được đánh giá có nhiều cơ hội phát triển, nhưng khó khăn thách thức cũng không ít (tỷ lệ DN khởi nghiệp thành công vượt qua giai đoạn 2 năm đầu tiên trở thành DN bền vững tương đối ít) nên việc cho vay đối với đối tượng này cũng cần phải tính toán thận trọng.
Tuy nhiên, để hỗ trợ DN có thể khởi nghiệp, trong năm vừa rồi TPBank kết hợp với Shark Tank đưa ra chương trình ưu đãi lãi suất với DN kêu gọi vốn thành công tại chương trình này. Ngoài ưu đãi lãi suất, TPBank còn cung cấp tín dụng tín chấp cho DN startup thông qua hình thức tặng thẻ tín dụng cho DN.
Theo đó, các DN này có thể sử dụng thẻ để chi tiêu nhu cầu tiêu dùng thường xuyên cho DN mình mà không cần có tài sản thế chấp. Đó là chương trình TPBank đã triển khai, còn tuỳ từng thời kỳ ngân hàng lại triển khai các chương trình khác để hỗ trợ cho các DNNVV nhất là các DN khởi nghiệp.
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ được định hướng vào khoảng 14%, nhiều DN lo lắng họ khó vay vốn ngân hàng. Còn tại ngân hàng thì sao, dòng tín dụng có bị thay đổi nhiều không?
Việc siết lại giới hạn tăng trưởng tín dụng chắc chắn có ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng của ngân hàng. Tuy nhiên yêu cầu trên phù hợp với mục tiêu định hướng của NHNN về việc điều tiết dòng vốn tín dụng đưa vào nền kinh tế đảm bảo các cân đối vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh này, theo tôi, các ngân hàng cần phải có giải pháp để bớt sử dụng đến hạn mức tăng trưởng tín dụng như thúc đẩy hoạt động khác để hỗ trợ cho DN. Với cách này, ngân hàng không phải đẩy vốn ngay ra lập tức mà chỉ giữ vai trò trung gian đảm bảo cho dòng vốn lưu thông giữa các DN với nhau. Qua đó vừa tiết kiệm room tín dụng cho ngân hàng mà vẫn hỗ trợ được DN mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Xin cảm ơn bà!