Ngân hàng tính “đường xa” cho lãi suất
Lãi suất vẫn theo xu hướng ổn định | |
Nếu đồng thuận, lãi suất vẫn có thể giảm | |
Lãi suất phản ánh nội tại NHTM |
Mặc dù trong các quyết định của NHNN về việc giảm lãi suất cách đây hai tuần chỉ hướng vào lãi suất điều hành, lãi suất cho vay nhưng một số NH có điều kiện bắt đầu rục rịch hạ lãi suất huy động. Cụ thể, VPBank điều chỉnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng xuống còn 4,8%/năm, kỳ hạn 2 tháng 4,9%/năm, kỳ hạn 3 tháng 5,1%; Eximbank đã giảm lãi suất tiền gửi từ 0,1-0,2 điểm %, đưa lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng từ 4,7%/năm xuống 4,6%/năm, kỳ hạn 2 tháng từ 4,9%/năm xuống 4,8%/năm, kỳ hạn 3 tháng từ 5,1%/năm xuống 5%/năm; riêng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng giảm từ 5,8%/năm xuống 5,6%/năm.
Một số nhà băng lại áp dụng hình thức khuyến mại cho khách hàng gửi tiết kiệm khi đưa lãi suất huy động xuống thấp nhưng lại có thêm quà tặng. Đơn cử như, VietBank vẫn giữ lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng là 5,4%/năm nhưng khi cá nhân gửi 300 triệu đồng, kỳ hạn 1 tháng, lãi suất chỉ 3%/năm được VietBank tặng 1 vali du lịch.
Các NH đang điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn huy động theo hướng tăng các kỳ hạn dài |
Có thể nói việc một số NHTMCP điều chỉnh giảm lãi suất đầu vào được nhiều chuyên gia xem là khá bất ngờ. Tất nhiên, như trên đã phân tích, việc giảm lãi suất huy động không thuộc diện bắt buộc nhưng đang cho thấy những tín hiệu tích cực ở rất nhiều góc độ.
Thứ nhất, khi mà việc giảm lãi suất cho vay để chia sẻ hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng đã trở thành phổ biến thì việc tính đến giảm nhẹ lãi suất huy động dù là không nhiều nhưng cũng giúp NH có điều kiện tốt hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ mà NHNN giao. Thứ hai, mặc dù NHNN chưa đưa ra chỉ đạo nhưng khi cân đối cung cầu vốn, phân tích thị trường, các NH thấy có thể phù hợp trong việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động thì họ đã thực hiện ngay.
Lãnh đạo một NHTMCP có trụ sở tại Hà Nội bình luận rằng, việc một số NH giảm lãi suất huy động cho thấy hệ thống NH đang thực hiện ngày càng thị trường hơn chứ không phải dùng các mệnh lệnh hành chính, nhất là trong điều hành lãi suất huy động. Trong bối cảnh hiện nay, việc hạ lãi suất huy động chủ yếu tập trung vào các kỳ hạn ngắn từ 1-3 tháng và khi lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dài không thay đổi, cho thấy các NH đang muốn điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn huy động theo hướng tăng các kỳ hạn dài.
Số liệu của NHNN Chi nhánh Hà Nội cho thấy, đến hết tháng 6/2017 huy động vốn kỳ hạn trên 12 tháng đạt 523.388 tỷ đồng, chiếm 30,2% tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn. Về dư nợ cho vay nền kinh tế trên địa bàn đạt 1.225.445 tỷ đồng, trong đó dư nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng 44,1%, dư nợ cho vay trung và dài hạn chiếm tỷ trọng 55,9%. Từ số liệu này cho thấy, việc một số NH giảm lãi suất huy động ngắn hạn, khiến lãi suất kỳ hạn dài trở nên hấp dẫn hơn để thu hút người dân gửi tiết kiệm dài hạn cũng là dễ hiểu.
Bên cạnh đó, việc tăng giảm lãi suất huy động cũng là chiến lược huy động của NH ở từng thời điểm vì hồi cuối quý I/2017 một số NH tăng lãi suất huy động qua kênh phát hành chứng chỉ tiền gửi và sau đó lại giảm và nay có điều kiện một số NH giảm lãi suất huy động cũng là bình thường.
TS. Bùi Quang Tín - Trường Đại học NH TP.Hồ Chí Minh cho rằng, quý I và quý IV thường khó dự báo nhất về thanh khoản vì quý I tín dụng tăng chậm, trong khi quý IV tăng cao nên việc huy động vốn phải được đẩy mạnh để đáp ứng cho vay. Nhưng trước mắt, trong quý III, đầu quý IV theo tôi thì việc giảm lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn vẫn có thể xem là phù hợp. Vì lãi suất trên thị trường liên NH gần đây ở mức thấp, ngày 24/7 lãi suất bình quân liên NH VND tiếp tục giảm ở mức 0,01 – 0,04 điểm % ở các kỳ hạn, khi lãi suất qua đêm ở mức 0,74%, kỳ hạn 1 tuần là 0,89% và 1 tháng là 2,03% và được xem là lãi suất thấp.
“Như vậy, có thể nói rằng các NH dư thừa thanh khoản thì mới giao dịch được ở mức lãi suất thấp này” – ông Tín chia sẻ và cho rằng, thêm một điểm nữa là tỷ giá và lạm phát chúng ta đang kiểm soát tốt.
Tỷ giá hiện tương đương mức cuối năm 2016 và dự báo có thể cũng chỉ tăng 1-1,5% trong năm nay và như vậy sẽ tác động tốt cho huy động VND. Đồng thời diễn biến CPI cho thấy khả năng năm nay chúng ta sẽ kiểm soát tốt lạm phát ở mức dưới 4% tạo dư địa cho giảm lãi suất. Một tín hiệu khác, từ trung tuần tháng 7/2017, NHNN đã phát hành tín phiếu trở lại với lãi suất giảm sau mỗi phiên, từ mức 1,3% ban đầu xuống chỉ còn 0,5%. Điều này cho thấy thanh khoản của hệ thống NH đang ở trong trạng thái rất tốt.
Theo một số chuyên gia NH, việc một số NH giảm lãi suất huy động sẽ rất tốt cho thị trường, giúp NHTM cân đối được chi phí, tạo cơ hội giảm lãi suất cho vay. Vì thực tế việc giảm lãi suất cho vay hiện nay không chỉ ở lĩnh vực ưu tiên mà còn ở các lĩnh vực khác các NH cũng rất cạnh tranh nên có thể nói giảm lãi suất huy động là tín hiệu tốt và có thể các NH cũng đã tính tới chặng đường xa hơn trong bài toán lãi suất.