Lãi suất phản ánh nội tại NHTM
Lãi suất huy động giảm nhiệt | |
Thị trường không có áp lực tăng lãi suất | |
Giải mã hiện tượng lãi suất huy động tăng |
Đầu tuần này các NHTM bắt đầu giảm nhẹ lãi suất huy động sau hai tuần liên tiếp có những động thái tăng ở những kỳ hạn dài gây xôn xao dư luận. Mở màn cho mức lãi suất huy động cao là VPBank huy động kỳ hạn 7 năm lãi suất lên đến 9,2%/năm – một mức cao nhất trong mấy năm gần đây. Tiếp đến là Sacombank phát hành chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất gần 9%/năm, Eximbank và một số NHTMCP tăng lãi suất 24 đến 36 tháng lên trên 8%.
Lãi suất huy động bắt đầu giảm vào đầu tuần này sau khi NHNN có thông tin chính thức về tình hình lãi suất huy động của một số NHTM trong hai tuần cuối tháng 3. Như vậy xu hướng lãi suất trung dài hạn của thị trường tăng hay chỉ là một trong những sản phẩm huy động của NHTM thu hút người gửi tiền cục bộ?
Ảnh minh họa |
Thông thường, đối với những nước có thị trường tài chính phát triển, lãi suất trung dài hạn trên thị trường của các NHTM thường được xác định dựa vào lãi suất trái phiếu chính phủ cùng kỳ hạn và với các yếu tố nội tại của NHTM đó. Đối với những nước thị trường tài chính chưa phát triển, nhất là thị trường trái phiếu chính phủ, thì lãi suất trung dài hạn của các NHTM thường được xác định dựa vào kỳ vọng lạm phát, nhu cầu vốn trung dài hạn.
Trên thực tế, thị trường trái phiếu Chính phủ của Việt Nam trong vài năm gần đây đã có sự phát triển nhất định, bước đầu hình thành đường cong lãi suất chuẩn. Trong đợt phát hành trái phiếu Chính phủ đầu năm 2017, lãi suất trái phiếu Chính phủ và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh không có xu hướng tăng so với mức lãi suất năm 2016. Mức lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm là 5,3%/năm, kỳ hạn 7 năm là 5,4%/năm và kỳ hạn 30 năm là 7,9%/năm. Thêm vào đó các NHTM có cổ phần chi phối Nhà nước là khối NH chiếm thị phần huy động lớn trên thị trường hầu như không tăng lãi suất huy động trung dài hạn.
Xem xét thực chất tăng lãi suất của một số NHTMCP có thể thấy, để có thể được hưởng mức lãi suất cao, điều kiện là khách hàng phải có số lượng tiền lớn. Như vậy chỉ có một số ít những người giàu có tiếp cận được mức lãi suất này, còn đa số các khách hàng gửi tiền nhỏ lẻ là không tiếp cận được mức lãi suất này.
Huy động kỳ hạn 5 năm lãi suất cao chỉ được rút lãi cuối kỳ, thì lợi tức thu được của người gửi tiền không cao. Đơn cử VPBank đưa ra lãi suất 8,9% chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 5 năm (lĩnh lãi cuối kỳ) nếu quy đổi ra mức lĩnh lãi suất định kỳ hàng tháng thì lãi suất chỉ tương đương khoảng 7,38%/năm, còn nếu quy đổi ra mức lĩnh lãi suất hàng quý thì chỉ tương đương 7,43%/năm.
Như vậy có thể thấy, lãi suất trung dài hạn tăng ở một vài NHTMCP không phản ánh xu hướng tăng lãi suất trung dài hạn của thị trường. Việc tăng này không phải tác động bởi lạm phát kỳ vọng và các nhân tố vĩ mô khác, mà việc tăng này mang tính cục bộ. Một số NH nhỏ cũng cần cơ cấu lại nguồn vốn để thực hiện quy định trong Thông tư 06 của NHNN về giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 60% xuống mức 50% chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2017.
Dưới áp lực của quy định này, các NH nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn về thanh khoản hơn do tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn trước đây của nhóm này thường cao hơn các NH lớn; đây cũng có thể coi là một sản phẩm huy động vốn để thu hút hấp dẫn người gửi tiền đến với NH mình trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.