Ngành bán lẻ thay đổi để hội nhập
Kỳ vọng thị trường bán lẻ | |
Dịch chuyển sang dịch vụ, bán lẻ |
Ảnh minh họa |
Sau khi Việt Nam tham gia WTO và thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do, ngành bán lẻ Việt đã có nhiều thay đổi, nhiều thương hiệu Việt đã khẳng định được chỗ đứng như VinGroup, Saigon Coop, Hapro... Tuy nhiên, ngành này vẫn phải tiếp tục đổi mới để tạo sức cạnh tranh với các DN ngoại.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụtiêu dùng năm 2017 ước tính đạt 3.934,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2017 ước đạt 2.937,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 74,7% tổng mức và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây được xem là thành công lớn đối với thị trường bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt khi hội nhập.
Nghiên cứu của hãng tư vấn của Mỹ A.T. Kearney mới đây cho thấy, năm 2017, Việt Nam đã tăng 5 bậc, lên vị trí thứ 6 trong Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI), trở thành một trong 6 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu. Với tiềm năng được đánh giá là màu mỡ, thị trường bán lẻ Việt Nam được biết đến là mục tiêu của nhiều nhà bán lẻ hàng đầu thế giới và luôn là một trong những thị trường tiềm năng, hấp dẫn đầu tư cả trong và ngoài nước.
Không chỉ đầu tư mạnh mẽ vào thị trường Việt, các tập đoàn lớn, nhà đầu tư nước ngoài còn liên doanh, liên kết, đầu tư với các nhà bán lẻ trong nước, đồng thời mua bán, sáp nhập nhiều thương hiệu Việt có uy tín trên thị trường.
Có thể kể đến như Tập đoàn LOTTE (Hàn Quốc) mua lại 70% cổ phần Trung tâm thương mại Diamond Plaza; Tập đoàn bán lẻ Aeon (Nhật Bản) đã mua lại 49% cổ phần hệ thống siêu thị Citimart và đổi tên thành AEON - Citimart; 30% cổ phần chuỗi cửa hàng tiện lợi Fivimart; Tập đoàn bán lẻ Central Group (Thái Lan) mua lại 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và Giải pháp mới NKT - đơn vị sở hữu 100% Công ty Thương mại Nguyễn Kim, mua lại hệ thống Big C Việt Nam...
Theo các chuyên gia, sự tham gia của các DN ngoại được đánh giá là vừa tạo áp lực, vừa mang lại "cú hích" mạnh mẽ thúc đẩy các nhà bán lẻ trong nước có những thay đổi về chất để nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập. Dự báo trong năm 2018, khi mà Việt Nam đẩy mạnh thực thi các cam kết hội nhập thì áp lực cạnh tranh sẽ càng lớn.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho biết, trong suốt 10 năm qua (2007 - 2017), Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) cùng các DN thành viên đã nỗ lực không ngừng để thực hiện sứ mệnh “Vì một ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam hội nhập, cạnh tranh và hướng tới người tiêu dùng”. Qua đó, vai trò và vị trí của ngành dịch vụ bán lẻ trong nền kinh tế và đời sống của nhân dân bước đầu được khẳng định.
Nhiều DN bán lẻ trong nước đã tạo được uy tín và chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong hội nhập thì để nâng cao sức cạnh tranh, các DN bán lẻ cần có những thay đổi phù hợp. Theo đó cần hướng tới tiếp tục tăng trưởng và đảm bảo tính cạnh tranh; dần chuyển sang một ngành thương mại hiệu quả, năng suất cao, công nghệ hiện đại và hướng tới người tiêu dùng…
Có thể thấy, bên cạnh sự nỗ lực đổi mới của các nhà bán lẻ trong nước, Chính phủ cũng đã có những giải pháp hiệu quả như giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, có giải pháp khuyến khích, hỗ trợ DN phân phối bán lẻ trong nước phát triển, qua đó nâng cao sức cạnh tranh cho các DN bán lẻ Việt.
Theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, ý thức được vai trò quan trọng của hệ thống phân phối – bán lẻ trong thành công của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Hiệp hội Các nhà bán lẻ cùng các DN thành viên (bao gồm các thành viên là các nhà bán lẻ cũng như các nhà sản xuất) đã luôn hưởng ứng nhiệt tình và tạo điều kiện hỗ trợ cho hàng Việt qua các hoạt động thiết thực như: Quảng bá rộng rãi sản phẩm nội địa là tiêu chí hàng đầu trong kinh doanh; ưu tiên diện tích, vị trí trưng bày cho các DN Việt.
Bên cạnh đó, là thực hiện các chương trình khuyến mãi dành cho các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam; Gắn kết sản xuất, cung cấp – phân phối, bán lẻ với tiêu dùng; Tham gia tích cực vào các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, chương trình bình ổn, tháng khuyến mại…
Bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, để thay đổi ngành bán lẻ, nhất thiết phải có chiến lược phát triển cho ngành dịch vụ này. Theo đó, phải thúc đẩy tăng trưởng thông qua sáng tạo, tăng năng suất làm việc bằng cách áp dụng công nghệ trong ngành phân phối - bán lẻ. Cùng với đó, xây dựng một lực lượng lao động bán lẻ trình độ cao và sẵn sàng cho tương lai. Đồng thời, hỗ trợ các DN bán lẻ Việt Nam mở rộng thị trường…